Cao Bằng đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
LSO-Tối qua (24/11), tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950, huyện Thạch An là di tích quốc gia đặc biệt, gắn với chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Tới dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các tỉnh khu vực Việt Bắc, một số tỉnh, thành phố trong nước và khách mời quốc tế. Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (bên phải) trao Danh hiệu
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Với các giá trị về cảnh quan, địa chất và văn hóa đa dạng, độc đáo, tại kỳ họp lần thứ 204, ngày 12/4/2018 ở Paris (Pháp), Hội đồng chấp hành UNESCO đã chính thức công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là công viên địa chất toàn cầuthứ hai của Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Cũng tại buổi lễ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận khu Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận Di tích quốc gia Đặc biệt
địa điểm Chiến thắng biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Đây là chiến dịch phản công có quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta; chiến thắng trong chiến dịch làm thay đổi cục diện trên chiến trường, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Cao Bằng được vinh dự nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”, góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thủ tướng đề nghị không chỉ Cao Bằng mà toàn thể đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng Việt Bắc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, tập trung khai thác, phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng một cách toàn diện. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy lợi thế về địa hình, cảnh quan, giữ vững các danh hiệu để phát triển du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương…
Ý kiến ()