Cao Bằng chú trọng phát triển du lịch bền vững
Thác Bản Giốc là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Cao Bằng. (Ảnh: TT)
Nhiều tiềm năng thuận lợi
Đó là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu khi nhìn nhận về những điều kiện để phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng. Đến với mảnh đất biên cương nơi cực Bắc Tổ quốc này, du khách không chỉ được khám phá những kiệt tác của thiên nhiên như Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, mà còn được biết tới nhiều địa danh lịch sử như: hang Pác Bó, suối Lênin, nơi Bác Hồ đã sống, làm việc và xây dựng căn cứ cách mạng đầu những năm 1940; Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam… Ngoài ra, Cao Bằng còn có các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như: Thành nhà Mạc, đền Vua Lê… Các khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Hồ Thang Hen, khu di lịch sinh thái Phja Oắc – Phja Đén và các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: lễ hội Pháo hoa, Nàng Hai, Hội Kỳ Sầm… Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 251 di tích (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Địa hình phong phú, đa dạng đã góp phần tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hoang sơ, là tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, cộng đồng…
Bên cạnh đó, Cao Bằng còn có những điều kiện thuận lợi khác như: có nhiều dân tộc cùng sinh sống với những bản sắc văn hoá phong phú; có điều kiện kết nối tour du lịch với các tỉnh bạn, nhất là Bắc Kạn; có cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và 3 cửa khẩu chính: Trà Lĩnh, Sóc Giang và Lý Vạn, cùng nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc là một thế mạnh để hợp tác phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch… Nhìn chung, tài nguyên du lịch của Cao Bằng phong phú và đa dạng, hội đủ yếu tố để phát triển các loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa.
Chú trọng khai thác những tiềm năng nói trên, với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm, lượng khách du lịch đến với Cao Bằng trong những năm gần đây đã liên tục tăng lên. Trong năm 2016, du lịch Cao Bằng phát triển mạnh, tỉnh đã đón 741.547 lượt khách, tăng 13,5 so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đạt 40.335 lượt, tăng 11%; phục vụ 701.212 lượt khách nội địa, tăng 13,6%. Doanh thu từ khách du lịch ước đạt 146,7 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Đặc biệt, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó đã đón được 135.000 lượt khách đến tham quan và học tập, trong đó có khoảng 16.800 khách quốc tế. Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cũng đã có bước phát triển khá đồng bộ với gần 200 cơ sở lưu trú du lịch được thẩm định xếp hạng, bao gồm tổng số trên 2.300 phòng nghỉ, hơn 3.600 giường đủ tiêu chuẩn đón khách; trong đó có 09 khách sạn đạt tiêu chuẩn 02 sao, 19 khách sạn đạt tiêu chuẩn 01 sao… Anh Hoàng Văn Bình, khách du lịch đến từ Ninh Bình chia sẻ: “Du lịch ở Cao Bằng có sức hấp dẫn riêng, nhất là khi được tham quan, khám phá vẻ đẹp của Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Bác Hồ đã sống, làm việc và xây dựng căn cứ cách mạng đầu những năm 1940”.
Cần có thêm những giải pháp lâu dài
Khách quan nhìn nhận, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều khởi sắc theo hướng hiệu quả, bền vững với sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Công tác quy hoạch phát triển du lịch cơ bản đã được hoàn thành; đồng thời, Cao Bằng cũng đã bước đầu tập trung đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo được nền móng cơ bản về hạ tầng giao thông phục vụ các tuyến du lịch chính trong tỉnh. Lượng khách và doanh thu du lịch tăng theo từng năm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tại Cao Bằng có 2 địa danh có vị trí đặc đặc biệt quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đó là di tích lịch sử hang Pác Bó và thác Bản Giốc.
Tuy nhiên, so với những tiềm năng, điều kiện sẵn có thì sự phát triển của du lịch Cao Bằng còn chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như định hướng phát triển du lịch có thời điểm chưa rõ, thiếu tính chiến lược lâu dài; cơ sở hạ tầng còn thiếu, phát triển chậm và chưa đồng bộ; các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng phục vụ chưa cao; hạ tầng giao thông đã được kết nối đến các địa điểm du lịch nhưng chất lượng còn thấp. Các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương còn ít và chưa đặc sắc… Để phát triển du lịch, đòi hỏi khách quan đặt ra cho Cao Bằng đó là cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài.
Do vậy, theo các chuyên gia, Cao Bằng cần xây dựng và phát triển các loại sản phẩm du lịch cụ thể gắn với thế mạnh của địa phương để thu hút du khách, nhất là khách du lịch quốc tế; phát triển homestay, du lịch sinh thái, dịch vụ spa, lễ hội; khôi phục và phát triển làng nghề, ẩm thực, sản phẩm lưu niệm địa phương… Thực tế, hiệu quả của hướng đi nói trên đã bước đầu được khẳng định. Tỉnh Cao Bằng đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện và khai thác một số điểm du lịch trọng tâm như: Khu di tích lịch sử Pác Bó; Khu du lịch động Ngườm Ngao; khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen; Làng Tày cổ Khuổi Ky; khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén…
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả phát triển du lịch bền vững, trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ nhằm xây dựng Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành điểm du lịch cấp quốc gia, Khu du lịch Thác Bản Giốc trở thành khu du lịch cấp quốc gia. Đồng thời, xây dựng thành phố Cao Bằng trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, thu hút nhiều du khách, là cầu nối quan trọng gắn kết với các khu, điểm du lịch cấp quốc gia.
Tỉnh Cao Bằng cũng tăng cường huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội; ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam, thắng cảnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống… Đây chính là “chìa khoá” để du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, góp phần nâng cao đời sống người dân trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng du lịch của địa phương./.
Ý kiến ()