Chủ nhật, 17/11/2024 11:45 [(GMT +7)]
Cannes 2017: Nhiều phim hay, nhưng khó đoán giải
Thứ 5, 25/05/2017 | 16:35:00 [(GMT +7)] A A
Hai ngày đầu tiên của LHP, công chúng được thưởng thức hàng loạt phim mới của Todd Haynes (“Wonderstruck” – tạm dịch “Kinh ngạc”), Andrei Zvyagintsev (“Loveless” – “Thiếu vắng tình yêu”), Arnaud Desplechin (“Ismael’s Ghosts” – “Những con ma của Ismael) và Claire Denis (“Black Glasses” – “Kính đen”). Hai ngày cuối, thường không có đông đảo công chúng như những ngày đầu, là cuộc trình diễn của những đạo diễn kỳ cựu như Lynne Ramsay (“You Were Never Really Here” – “Chẳng bao giờ bạn ở đây thực sự”), Roman Polanski (“Based on a True Story” – “Dựa trên câu chuyện có thật”), và chưa kể đến bộ phim làm lại “Twin Peaks” – “Đỉnh sinh đôi” của đạo diễn David Lynch. Ngoài ra, nhiều tên tuổi danh tiếng khác như Michael Haneke, Sofia Coppola, Noah Baumbach hay Yorgos Lanthimos đều có tác phẩm mới hứa hẹn cạnh tranh quyết liệt ở Cannes.
Thế nhưng nhiều chuyên gia của ngành công nghiệp giải trí vốn đánh giá cao vai trò của LHP Cannes giống như một dự báo cho nhiều giải thưởng điện ảnh, quan trọng nhất là Oscar, thì lại tương đối im tiếng trước những đại diện của LHP năm nay. Chất lượng của các phim dự thi năm nay không hề nhẹ ký, tuy nhiên một thực tế rõ ràng là “gu” của Cannes và “gu” của Oscar là hai con đường hoàn toàn riêng biệt, với những quan điểm khác nhau.
Thí dụ như nhà làm phim kỳ cựu Ken Loach đã từng ghi danh vào lịch sử LHP Cannes với hai giải Cành cọ vàng, và phim của ông được lựa chọn dự tranh giải rất nhiều, nhưng chưa một phim nào của ông lọt nổi vào danh sách đề cử Oscar. Phim tranh giải Cannes chưa bao giờ là mảnh đất lựa chọn của những tay săn giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ. Những năm gần đây, nhiều hãng phim đã lựa chọn Venice là nơi giới thiệu những ứng cử viên nặng ký của mình như “La La Land”, “Spotlight”, “Gravity” hay “Birdman”, và những phim này sau đó đều ít nhiều thành công tại giải Oscar.
Năm nay, các chuyên gia dự đoán giải Oscar đã có đủ mọi lý do để không coi nhẹ những phim mới toanh ở Cannes. Năm nay, các phim được đánh giá hàng đầu lại là những phim chứa đựng nhiều yếu tố bí ẩn hơn cả, thường tập trung vào những đề tài “cấm địa” hoặc khá tối tăm, và chắc chắn không “hợp nhãn” đám đông khán giả. Đặc biệt, năm nay thiếu vắng hẳn những đại diện của Hollywood tại Cannes. Những người lựa chọn phim ở Cannes thường chọn ít nhất một phim của một hãng Mỹ thường sản xuất phim bom tấn, thí dụ như “Fury Road” (Con đường tử thần) hay “Up” (Vút bay), và gần đây nhất là “Pirates of the Caribbean” (Cướp biển Caribbean) để danh sách phim có phần hấp dẫn, nhưng năm nay không như vậy nữa. Năng lượng và khát vọng nghệ thuật là trọng tâm của các phim tham dự Cannes năm nay, mà điểm nhấn là ngôi sao Nicole Kidman, với kỷ lục bốn dự án toàn với các đạo diễn thượng thặng như Lanthimos, Coppola, Jane Campion và John Cameron Mitchell, và đều có mặt trong danh sách phim dự thi.
Với những phim dự thi nhưng tập trung vào mục tiêu “dễ bán”, “Wonderstruck” của đạo diễn Todd Haynes là một phim có thể sẽ hấp dẫn và thu hút sự chú ý của những chuyên gia Oscar, đặc biệt là sau khi ra mắt clip ngắn tuyệt đẹp ngay trước thềm LHP. Phim được xây dựng trên cuốn tiểu thuyết dành cho trẻ em của tác giả Brian Selznick, chính là tác giả của bộ phim đình đám “Hugo” của đạo diễn Martin Scorsese.
Khá nhiều đạo diễn “trình làng” tác phẩm đầu tay như Ruben Östlund với “The Square” (Quảng trường), hay Joshua va Benny Safdie với “Goodtime”… Cả Ruben Östlund và Benny Safdie đều là những cái tên hoàn toàn mới mẻ ở Cannes. Họ sẽ phải cạnh tranh với những tên tuổi vô cùng nặng ký và từng sở hữu giải Cành cọ vàng, như Michael Haneke, năm nay trở lại với “Happy End” – Cái kết có hậu hay Lynne Ramsay (“You Were Never Really Here” – “Chẳng bao giờ bạn ở đây thực sự”)… Một đại diện lớn khác trong danh sách phim tranh giải là “Okja” của đạo diễn Bong Joon Ho với hai ngôi sao lớn Tilda Swinton và Jake Gyllenhaal đem đến cho công chúng bộ phim pha trộn giữa phiêu lưu và kỳ ảo…
Đáng kể đến nhất là Michel Hazanavicius. Sau khi mê hoặc công chúng ở cả Cannes và Hollywood với “The Artist” năm 2011. Sau chiến thắng của bộ phim trên rất nhiều “mặt trận” mà đỉnh cao là giải Oscar, Michel Hazanavicius rơi vào tình trạng “thoái trào” với “The Search”, bộ phim không phát hành được rộng rãi sau khi ra mắt. Năm nay, anh trở lại với “Redoubtable”, hy vọng sẽ sớm trở lại con đường đi của mình như sáu năm trước.
Những gương mặt mới và gương mặt cũ, tân binh và cựu binh… tất cả đều làm nên một giải Cành cọ vàng khó đoán nhất từ trước đến nay của năm 2017.
Theo Nhandan
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()