Cạnh tranh nhờ khoa học và công nghệ
Các kỹ sư của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) kiểm tra tiêu chuẩn của bản mạch.
Theo Bộ KH và CN, việc đầu tư phát triển nghiên cứu, ứng dụng KH và CN được coi là giải pháp mang tính chiến lược, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. KH và CN sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng. Nhiều ngành nghề trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, quốc phòng… nhờ ứng dụng công nghệ đã mang lại những hiệu quả lớn thời gian qua. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 386 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH và CN; 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao và hơn 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH và CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo báo cáo của 163 doanh nghiệp KH và CN, năm 2017, các doanh nghiệp đã giải quyết hơn 22.738 việc làm cho xã hội với tổng doanh thu đạt 105.771,7 tỷ đồng (trong đó, tổng doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH và CN là 10.349,6 tỷ đồng). Như vậy, lực lượng doanh nghiệp KH và CN tuy chưa nhiều về mặt số lượng nhưng đã tác động tới sự phát triển kinh tế – xã hội rõ nét, không những tạo công ăn việc làm, mà còn tạo ra xu hướng phát triển KH và CN trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Nổi bật như đối với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), từ một công ty sản xuất và sửa chữa thiết bị vô tuyến điện, đến nay đã trở thành tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam. Có được kết quả đó là do Viettel luôn coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH và CN trong các dịch vụ và sản phẩm. Hay như Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Chỉ sau hơn 10 năm phát triển, công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành giống cây trồng Việt Nam… Trong hơn 20 năm phát triển, Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải (THACO) luôn xác định hoạt động KH và CN là nền tảng để phát triển bền vững. Doanh nghiệp này đang chuẩn bị đầu tư 800 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm R & D (nghiên cứu và phát triển) với đầy đủ các phần mềm thiết kế, mô phỏng, tính toán động lực học và máy móc, thiết bị thử nghiệm…
Tuy nhiên, hiện nay còn ít doanh nghiệp ở Việt Nam nhận thức được vai trò của KH và CN. Báo cáo của Bộ KH và CN cho thấy, chi phí đầu tư cho KH và CN của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm từ 0,2 đến 0,3% tổng doanh thu, rất thấp so với các nước phát triển. Còn theo báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị đánh giá là lạc hậu, khi có tới gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên sáu năm. TS Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty phần mềm Việt cho rằng, một phần do cơ chế chưa khuyến khích doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài cho KH và CN. Rất nhiều chính sách về ưu đãi thuế, đất… được đưa ra, nhưng lại khó thực hiện, trong khi đó các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao cần sự đầu tư lớn về thời gian. Khi doanh nghiệp không đầu tư cho nghiên cứu KH và CN cũng có nghĩa là trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp không được nâng cao, năng lực cạnh tranh cũng vì thế không được cải thiện nhiều.
Một nguyên nhân khác là chúng ta vẫn đang thiếu một sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học. Ðiều này lý giải vì sao ở Việt Nam nhiều nghiên cứu được thực hiện, nhưng ít doanh nghiệp ứng dụng. Việc gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp mặc dù đã được đề cập nhiều, nhưng vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tư duy nghiên cứu của các nhà khoa học. Ðây có thể được coi là yếu tố quan trọng giúp phát triển thị trường KH và CN, nâng cao trình độ KH và CN của doanh nghiệp và đất nước. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế để các nhà khoa học chủ động nghiên cứu những gì mà doanh nghiệp và xã hội cần. Phải tạo cơ chế thuận lợi để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu và có những nghiên cứu mang hơi thở cuộc sống. Trong đó, việc cần làm là phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Ði liền với đó là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính, để các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu, mạnh dạn dấn thân vào hoạt động nghiên cứu…
Thời gian qua, Bộ KH và CN đã có nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà khoa học nhưng để thật sự “cởi trói” thì cần giao khoán cho nhà khoa học và chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng. Theo Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh, ngành khoa học cần tập trung tăng cường những nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn, bám sát nhu cầu cuộc sống, doanh nghiệp. Người làm quản lý khoa học cũng phải thay đổi tư duy, dựa vào kết quả nghiên cứu chứ không nên dựa vào quá trình nghiên cứu khoa học. Bộ KH và CN cũng tiếp tục phát triển các chương trình nhằm đẩy mạnh thị trường KH và CN, doanh nghiệp KH và CN, các dịch vụ để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH và CN. Cùng với đó, sẽ có những giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua thực hiện nhiệm vụ KH và CN; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách thu hút, trọng dụng cán bộ KH và CN, cũng như cơ chế cho doanh nghiệp KH và CN. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế sử dụng, trọng dụng người tài tại các đơn vị cũng cần thay đổi và có cơ chế chính sách đặc thù để những người say mê làm khoa học phải có thu nhập tốt.
Ý kiến ()