Cạnh tranh bằng “lao động đắt”
Hai năm qua, kể từ thời điểm công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10) năm 2020 đến nay, có thể thấy đã có nhiều chuyển biến, thay đổi quan trọng trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: VietnamPlus) |
Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động nói riêng đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề nghiệp được coi là “đơn vị tiền tệ mới”, là động lực để phát triển nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động.
Quốc hội, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, nhiều bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang tích cực hoàn thiện đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực cùng đồng hành nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Cộng đồng doanh nghiệp đang dần thay đổi tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm, tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều kinh nghiệm và nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp từ các quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Đức, Pháp, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ)… được tăng cường. Việc tiếp nhận, chuyển giao các chương trình đào tạo từ Australia và Cộng hòa liên bang Đức và đào tạo, nhân rộng đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường lao động, nhờ đó, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trở thành trách nhiệm chung của cộng đồng…
Tuy nhiên, Việt Nam mặc dù đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%; chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140, còn ở khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
Tỷ lệ người lao động có trình độ đại học trở lênnhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua, từ 12% lên 25%… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong 25 năm qua. Vì thế, Việt Nam sẽ “hết cơ hội” hay nói cách khác là “hết giờ” nếu không tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao để cải thiện năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế…
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam vì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng đặc biệt quan trọng của lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả. Đó là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Khẳng định vai trò của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là những người có tay nghề cao trong hoạch định và thực thi chính sách sẽ góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Tuy nhiên, về lâu dài, để có nguồn “lao động đắt” – nhân lực chất lượng cao cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh bền vững, giáo dục-đào tạo nghề phải đi trước một bước để đón đầu, chuẩn bị lực lượng lao động cho xã hội, doanh nghiệp.
Để từ bỏ quan niệm cạnh tranh bằng nguồn “lao động rẻ”, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp và bản thân người lao động, quản lý và sử dụng lao động phải thay đổi mạnh. Có thể thấy, giai đoạn vừa qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã xác định phải “nâng cao” chính mình trước trong các hoạt động dạy và học, phát triển kỹ năng cho người học; các hoạt động chuyên môn, hoạt động nâng cao kỹ năng cho nhà giáo, người học được duy trì và ngày càng thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức tham gia…
Đặc biệt, ngày 30/12/2021, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với quan điểm nhất quán coi phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực. Nhà nước có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục-đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng cao của thị trường lao động, của người dân về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đón bắt xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()