Cánh tay đắc lực của cán bộ cai nghiện
Học viên Trần Anh Dũng, phía ngoài bên phải, đang tích cực lao động cùng các học viên tại Trung tâm Giáo dục – Chữa bệnh – Lao động xã hội tỉnh
Chúng tôi có dịp gặp lại Trần Anh Dũng trong những ngày cả Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh đang rộn ràng hoạt động hướng đến ngày phòng, chống ma túy 26/6 và Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016. Khác với Dũng ở thời điểm mà chúng tôi gặp cuối năm 2015; bây giờ thay vì hình ảnh của 1 học viên cai nghiện bắt buộc gầy nhom, ốm yếu, ăn nói không dứt khoát là hình ảnh học viên cai nghiện tự nguyện vui vẻ, hoạt bát, nước da ngăm đen nhưng lộ vẻ rắn rỏi, khỏe mạnh. Đặc biệt, Dũng luôn tươi cười, không còn tự ti về hoàn cảnh của mình như trước.
Dũng kể: “Các thầy cô ở trung tâm yêu thương như anh em trong nhà nên sau khi hết 2 năm cai nghiện bắt buộc, đến tháng 3/2015, tôi làm đơn xin ở lại theo diện cai nghiện tự nguyện, đồng thời giúp các thầy cô vận động, tuyên truyền cho các học viên mới cắt cơn nghiện. Bản thân tôi được phát hiện nhiễm HIV từ năm 2007 nên đây cũng là thời điểm tôi có thể giúp đỡ các học viên trang bị thêm kiến thức để tránh lây nhiễm chéo, vượt qua mặc cảm để sớm hòa nhập cộng đồng”. Chỉ với lý do đơn giản đó mà hơn 1 năm qua, ngày nào Dũng cũng cần mẫn cùng các thầy, cô trong trung tâm giúp đỡ các học viên cắt cơn nghiện. Nhiều học viên mới vào tỏ ra chống đối, có thái độ không hợp tác, Dũng đều nhẹ nhàng khuyên giải, lấy bản thân ra để tạo sự tin tưởng, thuyết phục cao. Từ đó, nhiều học viên đã yên tâm uống thuốc cắt cơn, điều trị tại trung tâm. Thực tế, đã có học viên chỉ sau 2 ngày vào trung tâm đã cắt được cơn, thay vì 10-20 ngày như thường lệ. Học viên Lưu Đức C, ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Nhờ Dũng giúp đỡ mà tôi đã nhanh chóng cắt cơn, sức khỏe dần ổn định trở lại. Hiện tôi có thể tham gia lao động và tập thể dục vào mỗi buổi chiều. Mặc dù là học viên nhiễm HIV nhưng Dũng rất biết giữ gìn, bảo vệ sức khỏe cho anh em cùng phòng, thỉnh thoảng còn phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy, về quyền, nghĩa vụ cho chúng tôi”.
Nhớ lại quãng thời gian chạy xe đường dài, rồi lao vào con đường nghiện ma túy lúc nào không hay, Dũng chia sẻ: “Điều trăn trở nhất với tôi lúc này là người mẹ già đã hơn 60 tuổi, sống một mình. Mẹ rất thương tôi, hằng tuần đều mang quà vào trung tâm động viên tôi tiếp tục sống tốt, sống có ích. Nghĩ đến mẹ, tôi cũng mong ở lại trung tâm thêm một thời gian nữa, rồi sẽ trở về cộng đồng, ít nhất là giúp đỡ mẹ ở cửa hàng tạp hóa và tránh xa con đường tội lỗi”. Nói rồi, người học viên lại nở nụ cười trên môi.
Ý kiến ()