Canh tác theo chuẩn GlobalGAP: Đưa thương hiệu na Chi Lăng bay xa
(LSO) – GlobalGAP là bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với 252 tiêu chuẩn, gồm 36 tiêu chuẩn phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chuẩn tuân thủ đến mức 95%. Để đạt tiêu chuẩn này, người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu chuẩn bị nông trại đến thu hoạch và bảo quản. Người canh tác cũng phải ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất để phòng ngừa khi sự cố xảy ra.
Tại huyện Chi Lăng, từ năm 2017 nông dân đã áp dụng bộ tiêu chuẩn GlobalGAP vào quá trình chăm sóc, thu hái và bảo quản quả na. Hiện toàn huyện Chi Lăng có 8 hộ dân canh tác na theo hướng GlobalGAP với tổng diện tích 5 ha. Để người dân hiểu về quy trình và tích cực tham gia, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp với các phòng ban của huyện tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn thay đổi phương thức canh tác. Qua đó, bà con đã thay đổi cách nghĩ cách làm, thường xuyên tham gia các lớp hướng dẫn phương pháp nâng cao năng suất, chất lượng quả na…
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc na theo hướng GlobalGAP
Anh Phan Văn Trường, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Lúc đầu thấy phải thực hiện nhiều tiêu chí bản thân tôi rất hoang mang. Sau khi được cán bộ Phòng NN & PTNT cầm tay chỉ việc tôi thấy rất yên tâm. Đến nay, gia đình đã sản xuất được na đảm bảo các tiêu chuẩn của bộ tiêu chuẩn GlobalGAP.
Bên cạnh tuyên truyền nâng cao năng suất, chất lượng quả na, Phòng NN&PTNT huyện chủ động phối hợp với đơn vị giám sát hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Để đạt được các tiêu chí theo quy định, nông dân phải cải tạo vườn trồng đảm bảo đất, nước, không khí phù hợp cho sự phát triển của cây, không nhiễm kim loại nặng hay những yếu tố có hại cho sức khỏe con người. Cùng với đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật phải có nguồn gốc sinh học thân thiện mới môi trường do đơn vị giám sát cung cấp, phân bón sử dụng cho cây là các loại phân hữu cơ.
Ông Vi Ngọc Lưu, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: GlobalGAP là quy trình đòi hỏi người nông dân phải dành rất nhiều thời gian công sức cho vườn cây, mọi hoạt động đều phải được ghi chép tỉ mỉ, cụ thể để đơn vị giám sát theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Việc bón phân, tưới nước hay phòng trừ sâu bệnh hại cũng cần đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật. Nếu không thực sự tâm huyết thì khó mà triển khai hiệu quả.
Hiện nay, sản phẩm na GlobalGAP có giá trung bình khoảng 32.000 – 35.000 đồng/kg, cao hơn quả na canh tác theo phương pháp thông thường từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Nông dân trên địa bàn đã ứng dụng rất thành công những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chính vì vậy đã cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao như na an toàn, VietGAP, trái vụ, đặc biệt là GlobalGAP. Để người tiêu dùng hiểu đúng về giá trị của nó, huyện Chi Lăng đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với quả na.
Theo đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức ngày hội na Chi Lăng, hội nghị với các doanh nghiệp, tuần lễ na tại Hà Nội nhằm quảng bá về sản phẩm chất lượng cao cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm na chất lượng cao trên địa bàn. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, sản phẩm na trên địa bàn huyện có đầu ra và giá thành ổn định. Thời gian tới, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng diện tích na theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn huyện.

Ý kiến ()