Cánh sóng gìn giữ biển, đảo
Trong thế kỷ 21, nguồn tài nguyên biển ngày càng trở nên quan trọng, cùng với sự leo thang xung đột lợi ích trên các vùng biển, radar hải quân trở thành một phần không thể thiếu trong việc kiểm soát vùng biển quốc gia.
Vai trò của radar hải quân không chỉ giới hạn trong vấn đề quốc phòng mà còn trong việc quản lý tài nguyên biển; phát hiện ô nhiễm dầu, bảo vệ môi trường; tìm kiếm và giải cứu các thảm họa trên biển; quản lý biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, buôn lậu.
Hai loại radar chính được sử dụng trong hải quân là radar cảnh giới bờ và radar hàng hải. Radar cảnh giới bờ (được lắp đặt tại các bến cảng, đảo ngoài khơi) có khả năng phát hiện mục tiêu tàu nhỏ hơn 20m như tàu đánh cá, thuyền con trong điều kiện nhiễu địa vật biển, phải có khả năng hoạt động 24/7 trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngoài ra, các hệ thống radar hiện đại được kết nối với sở chỉ huy có thể được điều khiển từ xa. Một số radar cảnh giới bờ đang được sử dụng như: Scanter 5000 của hãng Terma, có kích thước nhỏ gọn (77kg) được điều khiển từ xa với tầm bắt nhỏ nhất 30m được trang bị tại một số cảng của Việt Nam. Hay radar Score 3.000 của Thales có phạm vi phát hiện tới 170km, phát hiện tàu, thuyền trên biển và các máy bay tầm thấp hoạt động trong khu vực.
Radar cảnh giới bờ biển tầm trung VRS-CSX do VHT nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: THU HƯƠNG |
Loại radar phổ biến thứ hai là radar hàng hải trang bị trên tàu, với nhiệm vụ phát hiện các tàu, chướng ngại vật trên biển như đá ngầm, các tảng băng trôi, giúp tàu di chuyển trên biển, tránh các va chạm có thể xảy ra. Các radar hàng hải thường hoạt động cùng với hệ thống GPS và hệ thống sonar. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ quét sóng pha chủ động-AESA (active electronically scanned array), các radar trên tàu có khả năng hoạt động 3D với độ chính xác cao, số lượng mục tiêu lớn và khả năng bám mục tiêu ưu tiên như tên lửa, máy bay chiến đấu sẽ có tốc độ cập nhật nhanh hơn. Một số radar trang bị trên tàu như radar NS100/200 của hãng Thales Pháp có khả năng bao phủ 280km, hỗ trợ chống tên lửa đạn đạo, giám sát 1.000 mục tiêu đồng thời.
Môi trường mặt biển biến động mạnh liên tục (nhiễu địa vật lớn), đặc tính mục tiêu đa dạng hỗn hợp giữa các tàu, thuyền di chuyển chậm (thậm chí đứng yên) với số lượng lớn hàng nghìn mục tiêu cho tới các mục tiêu cơ động nhanh trên không như máy bay, tên lửa… là bài toán đặc trưng riêng mà các hệ thống radar hải quân cần xử lý để bảo đảm khả năng phát hiện trong mọi điều kiện thời tiết, với nhiều loại đối tượng mục tiêu. Các công nghệ mới trong xử lý dữ liệu radar và công nghệ AESA hai chiều đa búp sóng tùy biến thích nghi là những công nghệ tiêu biểu cho các radar hải quân thế hệ mới đang được phát triển và sử dụng trên thế giới hiện nay.
Ý kiến ()