Cảnh sát PCCC phát huy vai trò
LSO-Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra những vụ cháy rừng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng, nhất là trong điều kiện nắng nóng như hiện nay hết sức cấp bách; đòi hỏi lực lượng chức năng, trong đó có sự tích cực của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 7 vụ cháy, trong đó có 4 vụ cháy rừng, làm thiệt hại khoảng 5,3ha rừng các loại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê các vụ cháy rừng có lực lượng cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy, thực tế còn xảy ra khá nhiều vụ cháy rừng nhỏ lẻ (với 11 tin báo cháy tại huyện Chi Lăng, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn), khi lực lượng cảnh sát và phương tiện chữa cháy đến thì cơ bản người dân đã dập tắt.
Thiếu tá Bùi Huy Khánh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết: so với cùng kỳ năm 2014, tuy giảm 1 vụ cháy rừng, giảm thiệt hại hơn 28 ha rừng. Điều này một phần là do người dân đã có ý thức dập lửa khi phát hiện ra đám cháy, không để cháy lan, không trốn tránh trách nhiệm khi để xảy ra cháy. Song thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, người dân lơ là trong PCCC rừng thì nguy cơ xảy ra cháy còn diễn biến phức tạp.
Để chủ động PCCC rừng, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đã tham mưu cho Công an tỉnh ban hành kế hoạch, công văn liên quan đến công tác PCCC. Trong đó tập trung vào tổ chức tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ năm 2015; trang bị phương tiện chữa cháy cho đội dân phòng; tăng cường công tác bảo vệ và PCCC rừng… Trong 4 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã phối hợp với cơ sở tổ chức 22 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho trên 970 người tham gia. Đơn vị thực hiện công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu đảm bảo về quân số, phương tiện thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; tổ chức kiểm tra quân số lúc 22 giờ hằng ngày; báo động kiểm tra đột suất công tác thường trực 19 lần; xây dựng 27 phương án chữa cháy; thực hiện nghiêm bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy…
Hiện Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh lên kế hoạch phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm tại địa bàn, nhất là khu vực có nhiều rừng thông như: huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập… để kiểm tra PCCC rừng. Trong đó, tập trung kiểm tra cụ thể trách nhiệm công tác PCCC rừng của chủ hộ được giao đất rừng và các doanh nghiệp phụ trách bảo vệ, phát triển rừng. Tổ chức kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ. Những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về PCCC rừng kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa. Chủ động phối hợp với công an các địa bàn có rừng ở cấp nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm phải thường trực chiến đấu ở mức độ cao, đảm bảo quân số theo đầu phương tiện. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về PCCC rừng, nguyên nhân, biện pháp cơ bản phòng ngừa cháy; gắn tuyên truyền với huấn luyện nghiệp vụ PCCC tại cơ sở…
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, ngoài vai trò phòng, chữa cháy của lực lượng kiểm lâm, công an, trong công tác PCCC rừng thì sự phối hợp của chính quyền địa phương, người dân ở khu vực lân cận, người vô tình để xảy ra cháy rất quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua lực lượng đã tích cực tuyên truyền huy động sự vào cuộc tích cực của các đối tượng này. Ông Nguyễn Văn Trí, người vô tình để xảy ra cháy đất rừng trong một lần đi thanh minh tại khu vực khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Sau khi để xảy ra cháy, tôi đã tri hô để mọi người cùng dập lửa, không để cháy lan. Tôi đã chủ động đền bù 8 triệu đồng khắc phục hậu quả cho chủ rừng. Sau bài học đắt giá này, tôi đã tuyên truyền mọi người về ý thức sử dụng nguồn lửa trong rừng, khi thấy đám cháy nhanh chóng phối hợp với lực lượng tại chỗ, thông báo cho Cảnh sát PCCC để dập tắt”.
THANH HÒA
Ý kiến ()