Cảnh sát môi trường Việt Nam vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước
Công cuộc CNH, HĐH, hội nhập quốc tế do toàn Đảng, toàn dân ta tiến hành đang thu được những thành tựu tốt đẹp: kinh tế-xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều mặt trái của sự phát triển, một trong những mặt trái đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng nghiêm trọng, đã và đang trở thành một thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước, sự tồn vong của giống nòi. Hiện thực hóa mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Nổi bật là ngày 29-11-2006, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã ký Quyết định số 1899/2006/QĐ-BCA, thành lập lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường và ngày 17-9-2007 đã ký Quyết định số 1081/2007/QĐ-BCA về thành lập các Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường trực thuộc công an các tỉnh, thành phố. Từ đây đã hình thành một cơ quan chuyên trách...
Hiện thực hóa mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Nổi bật là ngày 29-11-2006, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh đã ký Quyết định số 1899/2006/QĐ-BCA, thành lập lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường và ngày 17-9-2007 đã ký Quyết định số 1081/2007/QĐ-BCA về thành lập các Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường trực thuộc công an các tỉnh, thành phố. Từ đây đã hình thành một cơ quan chuyên trách trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm môi trường thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Qua bốn năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã dần khẳng định được vai trò quan trọng và tính hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Toàn lực lượng đã khám phá hơn 11 nghìn vụ, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố gần 200 vụ, xử phạt hành chính và truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 250 tỷ đồng. Bước đầu đã huy động được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và quần chúng nhân dân vào cuộc, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc hỗ trợ lực lượng Cảnh sát môi trường đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Hoạt động của Cảnh sát môi trường được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, đánh giá cao.
Tuy vậy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác đang trở thành 'bãi chứa' rác thải xuyên biên giới từ các nước phát triển. Hàng trăm công-ten-nơ rác thải tồn đọng tại các cảng biển chưa có phương án giải quyết, nạn phá rừng, săn bắt động vật, thực vật hoang dã diễn ra bữa bãi, phát triển thủy điện không theo quy hoạch, chưa có kịch bản ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu… là những thách thức về môi trường mà nước ta đang phải đối mặt. Qua công tác nắm tình hình của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, hiện có 184/288 tổng số các khu công nghiệp (KCN) không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong một triệu m3 nước thải/ngày đêm tại các KCN (chiếm 35% tổng lượng nước thải trên toàn quốc), có hơn 75% bị xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, xây dựng hệ thống ống xả bí mật, ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn để lén lút xả thải ra môi trường. Điển hình vụ Công ty Vedan, Tungkuang, Miwon… Nạn chặt phá rừng mặc dù đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp phòng, chống hữu hiệu. Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch theo đường tiểu ngạch vẫn diễn ra phức tạp, nhất là từ khu vực biên giới phía bắc. Vấn đề quản lý, xử lý chất thải nguy hại đang bị buông lỏng, mặc dù có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng phần lớn trong số đó chưa được đầu tư thỏa đáng, công nghệ xử lý lạc hậu, phần lớn chỉ xử lý bằng chôn lấp nên góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thức sâu sắc những nguy cơ tiềm ẩn từ vấn đề ô nhiễm môi trường, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã khẩn trương nhập cuộc, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua thực tế công tác, đã phát hiện những sơ hở thiếu sót trong hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, quản lý điều hành và đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành từng bước xây dựng và sửa đổi hoàn thiện, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự; Chỉ thị số 24/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường, Nghị định số 72/2010/NĐ-CP quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường… Đã hình thành được mối quan hệ phối hợp các ban, ngành hữu quan trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, như ngành tài nguyên và môi trường, y tế, công thương, nông nghiệp… Qua đó đã huy động được thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ cho Cảnh sát môi trường.
Cùng với những thuận lợi, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Càng ngày việc phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường càng khó khăn hơn, do đối tượng vi phạm luôn biết rút kinh nghiệm, thủ đoạn đối phó cũng ngày một tinh vi hơn. Mặt khác, việc xử lý vi phạm cũng không hề đơn giản khi gặp phải trường hợp vi phạm có yếu tố nước ngoài, phải cân nhắc vì yếu tố ngoại giao, giải quyết hài hòa bài toán 'phát triển kinh tế – bảo vệ môi trường – việc làm của người lao động'. Việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường có nơi, có lúc còn chưa thống nhất, chưa thật sự nghiêm minh, do quan điểm xử lý giữa các địa phương, bộ, ngành chưa thống nhất. Nhiều nơi do ưu tiên phát triển kinh tế nên không quan tâm việc đánh giá tác động đối với môi trường, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm hoặc liên quan các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng 'lách luật'. Hiện vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành chương 17, Bộ luật Hình sự; chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là 'ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng' (chưa lượng hóa cụ thể được hậu quả ô nhiễm)… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường trình độ chưa đồng đều, được điều động từ nhiều lực lượng khác trong Bộ Công an về, nhiều đồng chí là cán bộ ngành ngoài, thiếu nhiều kiến thức chuyên ngành về môi trường và khoa học kỹ thuật; phải vừa làm, vừa học, vừa tự rút kinh nghiệm nên hiệu quả đấu tranh chưa cao. Đặc trưng của Cảnh sát môi trường là sử dụng khoa học – kỹ thuật trong công tác kiểm định, tuy nhiên mức đầu tư để mua sắm máy móc, phương tiện kỹ thuật tối thiểu để hoạt động lại rất thiếu, nhất là ở địa phương. Ngoài ra tư cách pháp nhân của Trung tâm Kiểm định thuộc Cục Cảnh sát PCTP về môi trường hiện vẫn chưa được pháp luật công nhận.
Trong những năm tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Những kẽ hở từ pháp luật, năng lực của các cơ quan hành pháp trong lĩnh vực môi trường sẽ được các đối tượng vi phạm khai thác triệt để, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường đô thị. Việc tổ chức phát hiện vi phạm không khó, nhưng việc xử lý sai phạm, nhất là các doanh nghiệp lớn, có yếu tố nước ngoài, số lượng lao động đông lại rất khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường tham mưu và đề xuất tổ chức việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, chỉ thị của bộ, ngành về công tác bảo vệ môi trường cho lãnh đạo các ban, ngành địa phương, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cấp lãnh đạo, cũng như từng cán bộ trong đơn vị. Đúc rút kinh nghiệm từ thực tế công tác để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền điều tra tố tụng và xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát môi trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 72 ngày 8-7-2010 của Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra công khai, kết hợp điều tra nghiệp vụ đối với các cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Kiến nghị các bộ, ngành, địa phương có cơ chế giám sát các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế chủ đạo thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Cảnh sát PCTP về môi trường các cấp. Làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo huấn luyện, hợp tác quốc tế với cảnh sát cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh phí, trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực, trao đổi, ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát hiện, xử lý, khắc phục sự cố môi trường.
Theo Nhandan

Ý kiến ()