Cảnh sát Đức giải tán người biểu tình phản đối lệnh hạn chế phòng dịch
Biểu tình do phong trào “Querdenker” – gồm những người phản đối biện pháp phòng dịch của chính quyền – kích động và là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Đức kể từ khi dịch COVID bùng phát.
Ngày 20/3, cảnh sát thành phố Kassel của Đức đã buộc phải dùng bình xịt hơi cay để giải tán những người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo hãng tin AFP của Pháp, hàng nghìn người dân đã tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố Kassel, đứng sát nhau mà không đeo khẩu trang.
Ấu đả đã xảy ra khi một số phần tử quá khích đã tìm cách phá hàng rào cảnh sát, buộc các nhân viên an ninh phải sử dụng bình xịt hơi cay.
Cuộc biểu tình do phong trào “Querdenker” – gồm những người phản đối các biện pháp phòng dịch của chính quyền – kích động và là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Đức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Phong trào này đã thu hút những người theo thuyết âm mưu, những người bài vaccine và những phần tử cực đoan cánh hữu.
Một số người trong số họ không tin đại dịch là có thật, trong khi những người khác khẳng định các biện pháp hạn chế để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan là xâm phạm quyền công dân của họ.
Tháng 12 năm ngoái, người sáng lập phong trào Querdenker, Michael Ballweg, đã kêu gọi những người ủng hộ tạm ngừng các cuộc biểu tình cho đến mùa Xuân.
Được biết những người tham gia biểu tình tại Kassel lên tới con số 6.000 người. Một số thành phố khác của Đức đã chứng kiến các cuộc biểu tình tương tự vào cuối tuần trước, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Các cuộc biểu tình diễn ra đúng thời điểm giới chức Đức đang nỗ lực khống chế dịch bệnh khi tỷ lệ lây nhiễm trong ở làn sóng thứ ba tăng mạnh.
Theo Viện Robert Koch, trong ngày 20/3, cả nước Đức ghi nhận thêm 16.000 trường hợp nhiễm mới COVID-19 và thêm 207 ca tử vong.
Dự kiến, đầu tuần sau, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến 16 bang sẽ họp thảo luận về các bước tiếp theo. Bà cảnh báo chính phủ có thể không nới lỏng các hạn chế.
Các trường học ở Đức đã bắt đầu mở cửa trở lại vào cuối tháng 2, một số cửa hàng và trung tâm văn hóa nối lại hoạt động một tháng sau đó. Tuy nhiên, các dịch vụ ăn uống trong nhà và nhiều hoạt động giải trí khác vẫn bị cấm./.
Ý kiến ()