Cảnh giác với trò chơi điện tử có khuynh hướng bạo lực
(LSO) – Thời gian gần đây, việc trẻ em nghiện trò chơi điện tử (game), đặc biệt là trò chơi có khuynh hướng bạo lực dẫn đến phạm tội được xã hội quan tâm, đẩy mạnh công tác phòng, chống. Vừa qua, vụ việc “bắt cóc” theo tình tiết trong game do một nam sinh lớp 11 ở tỉnh Nghệ An thực hiện gây ra cái chết thương tâm cho cháu Hồ Văn Đ. (sinh năm 2015) đã một lần nữa cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của những trò chơi này tới tâm lý, hành vi của thanh, thiếu niên hiện nay.
Bước vào một cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi chứng kiến nhiều thanh thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi đang hăng say chơi game, miệng không quên phát ra những câu chửi tục tĩu. Trong đó, có những em nhỏ đến mức phải ngồi ghé vào mép ghế, vươn mình lên để thao tác trên chuột và bàn phím …
Học sinh chơi trò chơi điện tử có khuynh hướng bạo lực tại một quán Internet ở thành phố Lạng Sơn
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc…, hiện nay, hơn 60% trò chơi mang các nội dung như: tìm cách tiêu diệt người chơi khác, bắn súng, phá hủy công trình, bắt cóc, giết chóc, giải cứu con tin… Có những game được gắn mác 15 , 18 nhưng rất nhiều em chưa đủ tuổi vẫn dễ dàng có được tài khoản và tham gia. Khi được hỏi, các em trả lời rất hồn nhiên: Em thấy anh, chị và các bạn chơi thì em cũng chơi thôi, bố mẹ em cũng cho chơi mà.
Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trên toàn tỉnh hiện có 91.000 thuê bao Internet, mật độ 12 thuê bao/100 dân; 165 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử… Ngoài ra, sự tăng nhanh về số lượng điện thoại di động (smartphone) khiến việc kết nối mạng và tải về các trò chơi ngày càng dễ dàng. Điều đó cho thấy, nếu không có sự kiểm soát, thì việc người dùng tiếp cận với game và các trò chơi có khuynh hướng bạo lực không hề khó.
Bà Trần Thị Duyên, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh cho biết: “Mỗi năm, Sở TT&TT và các phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố đều tiến hành kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử. Trong năm 2019, qua kiểm tra trực tiếp tại 9 cơ sở (ngẫu nhiên) trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện: Cao Lộc và Lộc Bình, đoàn thanh tra của sở đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về điều kiện hoạt động và thời gian mở cửa của hầu hết các cơ sở. Đặc biệt, cả 9/9 đơn vị đều không niêm yết danh sách cập nhật trò chơi điện tử G1 (dạng trò chơi tương tác giữa nhiều người) kèm theo phân loại trò chơi ứng với độ tuổi người chơi. Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên chúng tôi chưa triển khai đợt kiểm tra nào. Dự kiến trong quý 3/2020, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử.
Với tốc độ bùng nổ ngày một nhanh của Internet, thì trách nhiệm trong việc kiểm soát con em hiện nay cần được đề cao ở gia đình. Trong khi đó, nhiều phụ huynh thường cho con mình sử dụng máy vi tính, điện thoại để chơi game mà không có sự kiểm soát về thời gian chơi cũng như nội dung trò chơi. Điều này vô tình khiến các em “nghiện game” lúc nào không hay, nguy hiểm hơn là thực hiện theo hành vi bạo lực trong game gây tổn thương cho người và động vật xung quanh.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, mỗi năm bệnh viện tiến hành khám, tư vấn tâm lý cho khoảng 50 trường hợp thanh, thiếu niên từ 13 đến 25 tuổi nghiện game; 10 đến 15 em trong số đó bị nặng, phải nhập viện điều trị rồi mới về gia đình để “cai nghiện”. Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Tâm thần – Thần kinh, BVĐK tỉnh cho biết: Chơi game nhiều, đặc biệt là game bạo lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý và sự phát triển khỏe mạnh của thanh, thiếu niên hiện nay. Trong vài năm trở lại đây, tình trạng người bệnh gặp vấn đề tâm lý do chơi game ngày càng nhiều. Biểu hiện của bệnh nhân thường là: hay xao nhãng, mất tập trung, dễ cáu gắt, ích kỷ, sống khép mình, nặng hơn thì nhập vai thành nhân vật trong game, gây tổn thương cho người và động vật xung quanh… Do đặc thù người chơi game phải ngồi trước máy tính, điện thoại nhiều, thậm chí quên ăn quên ngủ… nên ngoài bệnh tâm lý, các em còn có nhiều vấn đề về sức khỏe như: bệnh về mắt; đường tiêu hóa, tiết niệu; hệ cơ, xương kém phát triển do lười vận động…
Nguy hiểm hơn, để có tiền chơi game nhiều em đã thực hiện các hành vi phạm tội. Tại Lạng Sơn, tuy chưa có thống kê chính thức của ngành công an, nhưng trong thời gian qua, những hành vi như: trộm cắp, lừa đảo để lấy tiền chơi game; đánh nhau, sử dụng hung khí do tranh chấp vật phẩm game; hay ăn, ở, thậm chí sử dụng ma túy trong quán game… đều đã xuất hiện và bị xử lý.
Từ thực tế gần đây trên cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng cho thấy trò chơi điện tử đặc biệt là trò chơi có khuynh hướng bạo lực đã và đang gây ra những hệ lụy nhất định cho xã hội. Việc thanh thiếu niên chơi game để giải trí không xấu nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chơi không điều độ và thiếu sự quản lý của gia đình. Chính vì thế, gia đình, nhà trường và ngành chức năng cần có sự quan tâm đúng mức để trẻ có điều kiện phát triển về thể chất và tinh thần một cách lành mạnh.
ĐẶNG DŨNG
Ý kiến ()