Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao
Các chiến sỹ công an thành phố Lạng Sơn sử dụng máy vi tính phục vụ công tác điều tra tội phạm; trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao |
Anh Vi Văn Huân, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng kể rằng, ngày 6/4/2016, anh nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Khi nhấc máy, anh nghe đầu dây bên kia tự giới thiệu là người của Công ty xổ số kiến thiết Thủ đô và “chào hàng” bằng cách gạ gẫm đánh lô, đảm bảo trúng 100%. Họ nói rằng, vì là người của công ty, biết trước kết quả sổ xố nên mời người ngoài tham gia. Khi được hỏi đánh bằng cách nào thì đối tượng cho biết là chuyển tiền vào tài khoản, nhân viên công ty sẽ có trách nhiệm thực hiện các bước và khi trúng thưởng sẽ chuyển khoản ngược lại. Để tạo sự yên tâm, đối tượng nói: “nếu anh nghi ngờ có thể đánh nhỏ trước, nếu thấy “có kết quả” hôm sau có thể đánh to hơn…”.
Rõ ràng theo lôgíc, thông thường không ai tự dưng mang điều may mắn như trên trời rơi xuống như câu chuyện kể trên cho một người không quen biết. Trong trường hợp trên, tuy anh Huân không tham gia nhưng trên thực tế, nhiều người đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo tương tự. Trung úy Lưu Anh Tú, Đội phó Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: thời gian gần đây, xuất hiện không ít phương thức lừa đảo qua việc giới thiệu đánh sổ xố. Nhiều người do nhẹ dạ đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Đáng buồn là nhiều trường hợp khi bị lừa mất nhiều tiền rồi mới trình báo công an. Đơn cử, trong năm 2015, một nạn nhân ở khu vực đường Văn Vỉ, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, khi đến trình báo đã bị lừa tới 790 triệu đồng. Qua điều tra cho thấy, để cho con mồi “cắn câu”, những lần đầu khi nạn nhân mua sổ xố với mức tiền thấp thì đối tượng đều thông báo trúng thưởng. Đến khi tham gia với số tiền lớn, đối tượng mới cho “sập bẫy”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi gọi đến, các đối tượng đều dùng số điện thoại bàn, tự xưng là nhân viên công ty này, công ty nọ, tạo sự tin cậy cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết đó đều là số điện thoại ảo, tuy có đăng ký chủ thuê bao song đều là đăng ký số chứng minh thư nhân dân giả. Các đối tượng đều rất giỏi về công nghệ thông tin. Nhiều đối tượng còn thành lập các trang web để đăng tin khuyến mại, thông báo trúng thưởng. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đối tượng còn lợi dụng các trang mạng xã hội, trang tin cá nhân để lừa đảo, chuộc lợi như qua facebook, zalo cá nhân. Đơn cử, cũng trong năm 2015, thông qua facebook, một người dân ở khu Gia Binh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đã bị lừa mất 500 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do facebook cá nhân người này bị lộ mật khẩu. Đối tượng đã theo dõi tin nhắn cá nhân, nắm được mọi sinh hoạt, mối quan hệ của nạn nhân để tiến hành lừa đảo.
Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng công an đã điều tra, xử lý 4 vụ, 5 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ngoài ra còn chưa kể những sự việc mà nhân dân không trình báo cơ quan chức năng. Theo Trung úy Tú, để phòng chống loại tội phạm này, hằng năm, đơn vị đều tổ chức tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ, chiến sỹ, qua đó phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, khám phá án. Song để công tác này được hiệu quả, mang tính phòng ngừa, hơn ai hết, chính người dân cần đề cao cảnh giác với loại tội phạm này. Nhất là mọi thông tin qua hệ thống viễn thông, qua các trang mạng xã hội cần phải kiểm chứng, tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè và cơ quan chức năng. Mặt khác, đối với các trang mạng cá nhân, đề phòng để lộ mật khẩu truy cập. Khi xảy ra sự việc, cần khẩn trương trình báo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý.
Ý kiến ()