Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo từ thiện
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng xấu dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, bịa ra những câu chuyện, hoàn cảnh hết sức đáng thương hoặc sử dụng thông tin có thật để đăng tải trên các trang mạng xã hội rồi kêu gọi từ thiện (chuyển tiền vào tài khoản cá nhân với tên giả) nhằm trục lợi. Người dân cần nêu cao cảnh giác, xác minh kỹ thông tin trước khi quyết định ủng hộ, giúp đỡ, tránh bị lừa đảo.
Những hoàn cảnh éo le… bịa
Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 6-2022, tài khoản Facebook “Ok Quân” đã liên tiếp đăng thông tin về những hoàn cảnh khó khăn trên nhiều trang Facebook của các hội, nhóm như: “Hội xe ghép Vĩnh Phúc-Hà Nội”, “Việc làm Hải Phòng”, “Đất đẹp Phú Quốc”… để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Các trường hợp mà tài khoản Facebook này đăng tải đều rất éo le, kèm theo những hình ảnh làm cho người đọc xót thương, xúc động. Điển hình như hoàn cảnh của cháu Lê Văn Đạt, 28 tháng tuổi, con của anh Lê Văn Tuấn, 34 tuổi và chị Nguyễn Thị Ngọc ở Trảng Bom, Đồng Nai. Theo đó, cháu Đạt bị “bố lên cơn tâm thần dùng dao rọc dã man, phải khâu từ lưng đến bụng, phải qua 2 lần đại phẫu với chi phí hàng trăm triệu đồng, nhà hết khả năng chi trả…
Hiện tại cháu nằm ở lầu 2, phòng số 6 Khoa Ngoại phẫu thuật, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh”. Sau đó, tài khoản Facebook “Ok Quân” “kêu gọi” các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cháu Đạt theo địa chỉ: “Hội Hỗ trợ trẻ em”, số tài khoản 25908987, Ngân hàng ACB, tên chủ tài khoản: Hà Kiều Anh, số điện thoại mẹ cháu Đạt: 0904.185.912… Ngoài hiếm hoi các trường hợp có “địa chỉ” cụ thể như “cháu Đạt”, hầu hết các hoàn cảnh còn lại đều được nêu một cách rất chung chung, như trường hợp “Bé Trần Văn Hên”. Theo trang Facebook này, “Bé Hên sinh ngày 3-1 (6 tháng tuổi), quê Sóc Trăng, bị nhiều bệnh bẩm sinh như teo đường mật, thận ứ nước, bệnh khớp…, hoàn cảnh rất khó khăn, nhà ở quê sắp bị sập”…
Một “hoàn cảnh khó khăn” không có thật được tài khoản Facebook “Ok Quân” đăng tải để lừa đảo từ thiện. |
Tuy nhiên, tất cả những trường hợp khó khăn nêu trên đều là… bịa, với những hình ảnh cắt ghép, các số điện thoại của người nhà nhân vật đều không liên lạc được. Liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 2, chúng tôi được bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, thời gian qua, bệnh viện không hề điều trị cho bệnh nhân nào là cháu Lê Văn Đạt như bài viết trên Facebook. Theo đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2, những ngày gần đây có nhiều người liên hệ với bệnh viện để xác minh, chuyển tiền ủng hộ cháu Đạt và đã được bệnh viện cảnh báo kịp thời.
Xác minh rõ thông tin trước khi làm từ thiện
Bằng thủ đoạn lừa đảo tương tự như trên, các đối tượng xấu đã khiến không ít người có tấm lòng hảo tâm “sập bẫy”. Ngày 19-2 vừa qua, Công an TP Cần Thơ triệt phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1993, trú tại tỉnh Kiên Giang. Theo kết quả điều tra, từ đầu năm 2019 đến tháng 4-2020, Phúc sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Minh Minh” để đăng tải các bài viết về những trường hợp bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi ủng hộ. Sau khi tài khoản này bị khóa, Phúc mua tài khoản “Nguyễn Ngọc” để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo. Đối tượng này còn dùng tên tài khoản ngân hàng “BAO CAN THO” dễ gây hiểu lầm là tài khoản của Báo Cần Thơ nhằm tạo lòng tin với cộng đồng. Với thủ đoạn này, Phúc đã lừa đảo, chiếm đoạt được hơn 3 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 9-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Cao Thị Hoài, 23 tuổi, trú tại xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, đối tượng Hoài đã lập tài khoản Facebook có tên “Trần Mai Thu Thảo”, tự giới thiệu đang làm việc tại một phòng khám. Đối tượng đã tìm kiếm, cóp nhặt các hình ảnh về hoạt động thiện nguyện cho thai nhi xấu số của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện rồi đăng lên trang cá nhân của mình để kêu gọi ủng hộ. Từ tháng 11-2020 đến tháng 5-2021, Cao Thị Hoài đã lừa gần 700 người ở nhiều địa phương trên cả nước chuyển vào “tài khoản ủng hộ” hơn 260 triệu đồng…
Theo các cơ quan chức năng, tình trạng lừa đảo từ thiện hiện đang diễn ra khá phổ biến trên mạng xã hội. Các đối tượng thường làm giả giấy tờ để tạo tài khoản ngân hàng với tên giả; tài khoản mạng xã hội của các đối tượng cũng được tạo lập với thông tin giả hoặc rất sơ sài nhằm trốn tránh pháp luật… Để tránh bị lừa đảo, các khoản ủng hộ, giúp đỡ đến đúng địa chỉ, mỗi người cần nêu cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ thông tin, nhất là cần liên hệ với chính quyền địa phương, với bệnh viện hoặc các tổ chức, đoàn thể liên quan. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ý kiến ()