Cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm mua bán người
(LSO) – Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, không ít người thiếu cảnh giác đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, điều tra làm rõ 8 vụ, 18 đối tượng mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, lừa bán 14 nạn nhân. Cùng đó, phối hợp tổ chức tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ 18 nạn nhân bị mua bán trở về. Trong đó, Lạng Sơn 12 người, các địa phương khác 20 người. Họ thường không thuộc địa bàn, khi phát hiện bị lừa bán khó có điều kiện trình báo cơ quan chức năng.
Đơn cử, đầu tháng 6/2019, lực lượng công an phát hiện một phụ nữ lang thang trên đường Lê Lợi, thành phố Lạng Sơn không biết nói tiếng Việt, trong trạng thái hoảng loạn. Qua xác minh, người này là Sinseang Chanthea, sinh năm 1992, quốc tịch Campuchia nghe lời dụ dỗ của một người cùng quê đang sống tại Trung Quốc rủ sang đó lấy chồng. Trong quá trình di chuyển, Sin Seang Chanthea đã không đến đúng địa chỉ và bị lạc tại thành phố Lạng Sơn.
Chị Nguyễn Kim Hon, sinh năm 1976 (hàng đầu tiên, thứ 3 từ trái qua), quê tỉnh Bạc Liêu – nạn nhân bị mua bán trở về, được nhiều tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trên địa bàn giúp đỡ
Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều nạn nhân quen biết các đối tượng thông qua mạng xã hội zalo, facebook rồi hẹn gặp nhau và bị lừa bán. Trong đó, người thì bị bán vào ổ mại dâm, người thì bị bán làm vợ đàn ông nghèo ở vùng nông thôn, cuộc sống rất cực khổ.
Nói về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh phân tích: Thông qua mối quan hệ, nhiều kênh thông tin, các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm kiếm việc làm của nạn nhân để dụ dỗ, hứa hẹn, lừa sang Trung Quốc bán. Bên cạnh đó, vừa qua xuất hiện nhiều đối tượng là phụ nữ Việt Nam liên kết với đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ, nạn nhân và đối tượng thống nhất sẽ sang làm vợ đàn ông bên đó, kiếm được khoảng tiền sẽ tìm cách trốn về. Tuy nhiên, sau đó không trốn được đã tự nhận mình là nạn nhân bị mua bán trở về để được giải cứu. Đó là chưa kể tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm và lao động thời vụ, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa bán hoặc phạm tội mua bán người.
Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với tội phạm mua bán người; truy tố và đưa ra xét xử các vụ án với tội danh liên quan nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Đơn cử, từ năm 2018 đến nay, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã truy tố 8 vụ, 18 bị can; Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý và xét xử 8 vụ, 18 bị cáo, đều tuyên hình phạt tù có thời hạn, trong đó mức cao nhất là 15 năm tù.
Cùng đó, các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ các nạn nhân trở về đoàn tụ với gia đình. Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Những năm qua, cơ sở luôn quan tâm thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân theo đúng quy định. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị tiếp nhận, hỗ trợ 6 trường hợp, bàn giao cho lực lượng công an 5 trường hợp để đưa về gia đình, trong đó có 4 trường hợp người Campuchia.
Ngoài các biện pháp trên, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác. Dù vậy, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người qua địa bàn vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân, nhất là giới trẻ cần đề cao cảnh giác khi tiếp xúc, làm quen với người lạ qua mạng xã hội, không xuất cảnh trái phép, không nghe theo lời dụ dỗ, hứa hẹn thiếu cơ sở; tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Mỗi gia đình cần chú ý hơn trong quản lý, chăm sóc, giáo dục con cái…
Ý kiến ()