Cảnh giác với những chiêu lừa phong lan đột biến
Theo nhiều bạn đọc phản ánh, hiện nay cuộc đua chơi phong lan đột biến gien vẫn chưa hề giảm sút, không ít người vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để có cơ hội sở hữu một keiki lan (mầm lan) hoặc một chậu lan HO, 5 cánh trắng Phú Thọ, Bảo Duy… Sau đó, các giống hoa lan quý, hiếm này tiếp tục được chủ nhân mới mang về chăm sóc và nhân giống bán kiếm lời. Nắm bắt được xu hướng làm giàu không khó này, nhiều đối tượng đã sử dụng chiêu trò “hô biến” hoa lan thông thường thành hoa lan đột biến và “thổi giá” tiền tỷ. Không ít người chơi phong lan đã phải ngậm ngùi ôm món nợ.
Chậu lan trăm tỷ đồng
Những ngày gần đây, giới chơi phong lan trong nước xôn xao, bàn tán về câu chuyện cây lan phi điệp đột biến, có tên gọi “Huyền thoại Bướm Đại Ngàn” của chủ Facebook Chính Trương rao bán với giá 100 tỷ đồng. Cụ thể, trên tài khoản Facebook này viết (“ngôn ngữ mạng”, tạm dịch): “Huyền thoại Bướm Đại Ngàn – một cực phẩm của đất trời, của mẹ thiên nhiên ban tặng. Nếu ví thế giới hoa lan như một vương quốc kỳ hoa thì Bướm Đại Ngàn như một cỗ ngai vàng quyền quý dành cho bậc chí tôn, minh chủ. Hôm nay Chính Trương chính thức công bố bán cây mẹ “Huyền thoại Bướm Đại Ngàn” với giá 100 tỷ đồng để hữu duyên quý vật tầm quý nhân. (số đo 14 cm, đang ra 1 mầm nối, 2 keiki, ngọn vẫn phát triển mạnh. Chỉ bán hoặc nhận chốt giá trong ngày). Kính báo quý anh chị em yêu hoa lan”. Dòng thông tin của chủ Facebook đã thu hút hàng chục nghìn người xem và kèm theo là rất nhiều lời bình luận, chia sẻ. Trong đó, rất nhiều người cho rằng, cây hoa lan này được rao bán với mức giá không tưởng, hoặc đây là chiêu trò để “thổi giá”. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu giới chơi lan đột biến trong nước bị sốc trước thông tin về giá giao dịch của “Huyền thoại Bướm Đại Ngàn”, bởi vào tháng 7 vừa qua, tài khoản Facebook Chính Trương đã bán một mầm lan mọc ra từ cây lan “Huyền thoại Bướm Đại Ngàn” với giá 15 tỷ đồng. Sau đó, anh tiếp tục đấu giá mầm lan thứ hai với giá 11,7 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu, trong khoảng vài năm gần đây, phong trào chơi phong lan đột biến lên cao, kèm theo đó là nhiều giao dịch có giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng một mầm lan, hoặc một chậu lan được thực hiện. Theo một số người chơi hoa phong lan có thâm niên thì giá trị hoa lan đột biến đang được định giá tự do, không có căn cứ hay cơ sở pháp lý rõ ràng. Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng hoa lan diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa hai bên. Không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan cho nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch… Đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lợi dụng “thổi giá”, tạo sự hấp dẫn giả tạo nhằm thu hút số lượng lớn người mới chơi lan vào vòng xoáy làm giàu nhanh. Nhiều người hám lợi đã vay tiền người thân, bạn bè, thậm chí cầm cố tài sản để vay ngân hàng, vay tín dụng đen đầu tư vào lan đột biến để rồi trở thành nạn nhân của bẫy lừa đảo.
Như trường hợp một người dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa trình báo cơ quan công an khi bị một số đối tượng lừa đảo mua lan đột biến với giá hơn hai tỷ đồng. Hay một chủ vườn lan thuê một căn nhà rất khang trang ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) để lừa đảo bán hoa lan đột biến trực tuyến. Sau khi lừa được nhiều người mua lan với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhóm người này đã “cao chạy, xa bay”. Gần đây nhất, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam bốn tháng đối với Bùi Văn Sỹ (sinh năm 1986, trú tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra bước đầu, từ việc tham gia nhóm chơi, kinh doanh lan trên mạng xã hội Facebook, trong các ngày 15 và 28-8 vừa qua, ông Đ.V.T (ngụ huyện Di Linh) đã mua của Bùi Văn Sỹ bốn cây lan Hồng Yên Thủy và một chậu lan Hồng Mỹ Nhân với giá 440 triệu đồng, bằng hình thức giao dịch trực tiếp. Để tạo sự tin tưởng, Sỹ đã viết giấy cam kết về cây và chất lượng mặt hoa như đã giới thiệu. Thấy việc kiếm tiền dễ dàng từ bán phong lan, ngày 30-8, Sỹ tiếp tục mang hai chậu lan Hồng Minh Châu đến bán cho ông T với giá 1,47 tỷ đồng thì bị ông T phát hiện các cây hoa lan mà Sỹ đã bán không phải lan đột biến mà chỉ là lan thông thường, nên ông T trình báo công an.
Về việc này, anh N.V.L, chủ một vườn lan có tiếng ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), chia sẻ: Hiện nay, lợi dụng phong trào chơi hoa lan đang lên cao, nhiều đối tượng lừa đảo đã “bắt mối” với các nhà vườn trồng lan; lập các tài khoản trên Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… chọn những cây có hình thức giống loài hoa lan quý hiếm để rao bán với giá “trên trời”… Thủ đoạn của các đối tượng này thường chọn thuê những ngôi nhà có không gian đẹp, sang trọng gần các nhà vườn trồng lan nổi tiếng rồi dựng những giàn phong lan bắt mắt. Sau đó, các đối tượng sẽ gắn những bông hoa đột biến lên các cây hoa lan bình thường rồi tổ chức đấu giá trực tiếp trên mạng. Để các giao dịch thành công và thu hút nhiều người tham gia, các đối tượng sẽ chia sẻ thông tin lên nhiều hội, nhóm với nội dung như: “Bán lan đột biến giá rẻ giật mình; Cần tiền bán cây lan quý giá mềm…”; kèm theo đó là ngày, giờ tổ chức sự kiện đấu giá trên mạng. Trong quá trình đấu giá trực tuyến, các “chim mồi” sẽ liên tục trả giá cao nhằm “thổi giá” cây lan được cho là đột biến. Hết phiên đấu giá, người trả giá cao nhất sẽ là chủ sở hữu của mầm lan và được thông báo rộng rãi về họ tên, số điện thoại. Tuy nhiên, người trúng đấu giá có thể là người quen trong hội chơi lan, người thân của ông chủ bán lan hoặc cùng nhóm đối tượng lừa đảo. Cũng có một số người chơi lan nhẹ dạ, tưởng mua được lan đột biến giá rẻ đã sớm chuyển tiền đặt cọc thì bị các đối tượng cắt đứt liên hệ, chặn cuộc gọi và khóa tài khoản Facebook. Để tạo lòng tin với những người đam mê lan đột biến, những đối tượng lừa đảo còn thường xuyên lân la đến các vườn lan nổi tiếng để giao lưu, chụp ảnh cùng chủ vườn; hoặc trực tiếp mang sản phẩm tham gia những hội nghị triển lãm hoa lan lớn tại các tỉnh, thành phố. Sau đó quảng cáo rầm rộ trên các hội, nhóm về những mầm lan, cây lan đột biến từng mua trực tiếp từ những chủ vườn lan có uy tín thông qua những bức ảnh, clip. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn đặt mua ở nước ngoài những chậu lan cấy mô rất to và đẹp với giá vài triệu đồng rồi về gắn cho những cái tên mỹ miều như Bạch Tuyết Á Hậu, Hiển Oanh, Người đẹp Bình Dương,… để “thổi giá” nhằm hưởng chênh lệch hàng tỷ đồng.
Cũng theo anh N.V.L: “Những việc làm xấu của các đối tượng lừa đảo đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến phong trào chơi phong lan trong nước và uy tín của những nhà vườn trồng, kinh doanh phong lan lâu năm. Do vậy, để tránh “tiền mất, tật mang” người mua lan cần tỉnh táo, không nên vội vã bỏ ra hàng tỷ đồng với mong muốn sớm sở hữu một mầm lan độc, lạ”.
Cần có cơ chế quản lý rõ ràng
Theo PGS, TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phong lan đột biến gien là một cá thể hay một dòng hoa lan trong quần thể phong lan tự nhiên, bất ngờ có sự biến đổi khác biệt về mầu hoa, kích thước lá, độ dài đốt thân hoặc sự sắp xếp các cánh hoa trên cành… Với công nghệ như hiện nay, nếu sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (in vitro) thì chỉ trong vài tháng, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường được hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến mang các đặc tính di truyền giống cây mẹ… “Hiện tại, chúng tôi đang nhân hàng chục nghìn cây giống lan phi điệp đột biến, với giá chỉ tương đương như những cây lan bình thường” – PGS, TS Đặng Văn Đông chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều bạn đọc phản ánh, các giao dịch mua bán lan đột biến hiện nay đều là tự phát, thuận mua vừa bán cho nên việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước đang bị xem nhẹ… Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hà (Công ty TNHH Luật Thu Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng: “Theo quy định, nếu chủ cây lan là cá nhân kinh doanh thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trường hợp người bán là người nông dân, mà cây hoa lan là sản phẩm nông nghiệp không qua chế biến thì không phải nộp các loại thuế nêu trên. Nếu chủ nhà vườn lan đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp thì ngoài thuế thu nhập cá nhân còn phải nộp thêm cả thuế thu nhập doanh nghiệp… Ngoài ra, khi giao dịch thành công mà chủ vườn lan chậm trễ đóng thuế thì có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị xử lý hình sự nếu cố tình trốn thuế ở mức độ nghiêm trọng. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán phong lan đột biến thì có thể căn cứ theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý. Cụ thể: Nếu cá nhân chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đến hơn 500 triệu đồng, tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt thì có thể bị xử phạt tù từ hai năm cho đến 20 năm hoặc chung thân…”.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thành Chung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi được biết, qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện nhiều giao dịch mua bán hoa lan với số tiền lớn, diễn ra công khai và được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội… Trước tình trạng mua bán phong lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các loại tội phạm, lãnh đạo Công an tỉnh vừa ra thông báo khuyến cáo người dân nên thận trọng khi mua bán phong lan đột biến. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác quản lý, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên và người dân. Kiên quyết không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo người dân vào các hoạt động lừa đảo bằng việc kinh doanh lan đột biến. Tích cực phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn liên quan đến kinh doanh hoa lan đột biến. Kịp thời phát hiện chấn chỉnh, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc mua bán phong lan để vi phạm pháp luật. Tăng cường rà soát, quản lý các hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn thường xuyên mua bán phong lan đột biến.
Trước việc phong lan đột biến đang lên cơn “sốt giá”, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, đề ra những chính sách rõ ràng để quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng, định giá chính xác; đồng thời, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xử lý nghiêm các cá nhân, hộ kinh doanh có biểu hiện lừa đảo, lợi dụng việc kinh doanh phong lan đột biến để thu lợi bất chính,… Có như vậy mới giúp những người đam mê môn nghệ thuật này và kinh doanh phong lan yên tâm phát triển, không bị những hệ lụy tiêu cực của “cơn lốc” làm giàu từ phong lan đột biến.
“Để tạo niềm tin, các đối tượng lừa đảo bán hoa lan đột biến thường kèm giấy bảo hành, cam kết đúng loại cây và đúng mặt hoa. Cây được rao bán có hình dáng rất giống loài phong lan giá trị cao cho nên những người không phải chuyên gia, dân chơi lan sành sỏi sẽ rất khó phát hiện. Bởi thế, những người mới tập chơi lan thường được các đối tượng này nhắm đến”.
Thượng tá VÕ KHÁNH VÂN
Phó Trưởng Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng)
Ý kiến ()