Cảnh giác với kiến ba khoang
(LSO) – Những ngày gần đây, kiến ba khoang đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây, kiến ba khoang xuất hiện tại một số khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tối 13/7/2020, trong khi đang nằm nghỉ trên giường bệnh, ông Lô Văn Trường, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội – Thận – Tiết niệu – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thấy có cảm giác kiến bò ở vùng cổ nên phẩy tay xua con vật xuống sàn. Ngay sau đó, cổ ông đau rát và ngứa ngáy. Các bệnh nhân khác cùng phòng bệnh cũng phát hiện có hơn chục con kiến ba khoang khác trong phòng nên lập tức báo với y, bác sỹ trong khoa. Ông Lô Văn Trường cho biết: Mặc dù đã 4 ngày được các bác sỹ xử lý vết thương, vết phồng rộp đã xẹp xuống nhưng cả khu vực cổ của tôi vẫn đau rát.
Không riêng ông Trường, từ ngày 13/7/2020 đến nay, bệnh viện đã có 5 bệnh nhân bị thương do tiếp xúc với kiến ba khoang. Ngay sau khi phát hiện có kiến ba khoang, bệnh viện cho phun thuốc diệt trừ, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân những kiến thức nhận biết và biện pháp ngăn chặn kiến ba khoang xâm nhập vào các khoa, phòng và cách xử lý khi phát hiện kiến ba khoang bò trên người.
Bệnh nhân Lô Văn Trường bị thương do kiến ba khoang bò lên vùng cổ
Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đây là lần đầu tiên kiến ba khoang xuất hiện tại bệnh viện. Việc xuất hiện kiến ba khoang có thể do bệnh viện nằm giữa khu vực có nhiều đồi cây lâu năm, các khoa, phòng luôn sáng điện vào ban đêm nên thu hút kiến ba khoang. Từ ngày 13/7 đến nay, chúng tôi phát hiện kiến ba khoang tại các khoa: Phục hồi chức năng, Thận – Tiết niệu – Lọc máu, Nhi…. Sau khi phun thuốc diệt côn trùng, hiện tại, bệnh viện không còn xuất hiện kiến ba khoang tại bệnh viện.
Theo thống kê sơ bộ: trong những năm qua vừa qua, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có từ 40 đến 50 trường hợp bị thương do tiếp xúc với kiến ba khoang.
Hiện đang là đầu mùa mưa, mùa sinh sản của kiến ba khoang, để tránh bị tổn thương do tiếp xúc với loài côn trùng này, người dân cần chú ý vệ sinh nơi ở. Khi phát hiện kiến ba khoang cần tiến hành xử lý bằng cách giũ sạch chăn màn, quần áo, vệ sinh và phun thuốc diệt côn trùng. Đặc biệt không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến vì sẽ gây tổn thương da vùng tiếp xúc. Nếu tiếp xúc với kiến ba khoang, cần rửa vùng tiếp xúc, vị trí kiến cắn bằng nước sạch và xà phòng, sau đó, dùng cồn sát trùng nhẹ. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da vị tổn thương hay tiếp xúc vùng da lành với nơi dính độc tố vì tổn thương sẽ tiếp tục xuất hiện.
Kiến ba khoang có nọc độc gấp 12 đến 15 lần nọc độc rắn hổ mang nhưng do liều lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ngoài da nên không gây chết người như nọc rắn. Nếu bị tác động hoặc chà sát, chất độc của kiến ba khoang được giải phóng gây bỏng da, viêm da, nếu không sơ cứu kịp thời và giữ gìn vết thương cẩn thận có thể bị loét, rỉ dịch. Vết thương do kiến ba khoang gây ra thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân. |
HOÀNG VƯƠNG - ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()