Cảnh giác với hoạt động núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo
Đối tượng được các nhóm hướng đến ở mọi địa bàn sinh sống, từ đô thị đến nông thôn; từ lao động phổ thông đến trí thức, công chức, viên chức, sinh viên đã có nhận thức nhất định trong xã hội; những người có vướng mắc trong cuộc sống; những người nghỉ hưu; những người có việc làm không ổn định hoặc đang có vấn đề tiêu cực, bất mãn… Đặc biệt, để tạo thanh thế, các nhóm này lôi kéo những người có uy tín, là tấm gương mẫu mực bấy lâu nay trong gia đình, dòng họ, khu phố, xóm làng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động công tác tại các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị; những người đang được giao chức danh trong các cơ quan, tổ chức, nhà trường; tuổi trẻ, học sinh, sinh viên. Với thủ đoạn núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, rèn luyện sức khỏe, gửi thư ngỏ và các tài liệu chứa nội dung không rõ nguồn gốc đến các tổ chức đảng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị,… đề nghị tổ chức hoạt động và tán phát các tài liệu; lợi dụng việc đi chào bán các sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày để móc nối, lôi kéo tham gia hoạt động.
Nhân dân theo dõi lực lượng chức năng xử lý điểm tụ tập hoạt động núp bóng tôn giáo tại Thanh Hóa. Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 3 tôn giáo được pháp luật công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật, nhân dân trên địa bàn được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng bào theo tôn giáo luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình. Tín đồ thường xuyên phụng sự phương châm “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, “tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, tích cực hưởng ứng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực, cùng với hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân nơi cư trú thường xuyên tham gia vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức về công tác tôn giáo ngày càng được nâng cao, cởi mở trong việc gặp gỡ, trao đổi thông tin để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc và tín đồ, tạo động lực thúc đẩy tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.
Định hướng về nâng cao cảnh giác với hoạt động núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm góp phần tích cực trong việc giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các ngành chức năng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở,… tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo tham gia hoạt động núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo. Cán bộ, đảng viên gương mẫu không tham gia hoạt động và tán phát tài liệu không rõ nguồn gốc, đồng thời tích cực vận động người thân, bạn bè, quần chúng nhân dân cảnh giác, không tham gia hoạt động và tán phát tài liệu không rõ nguồn gốc. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng một số hạn chế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của ta để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên phối hợp hiệu quả trong công tác nắm tình hình, truyền thông, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, nâng cao ý thức cảnh giác, ngăn ngừa các thủ đoạn móc nối, lôi kéo tham gia hoạt động núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, chủ động đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện thông tin liên quan đến những biểu hiện, hoạt động trái pháp luật, trái văn hóa truyền thống, các hành vi phát tán tài liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nội dung xấu gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự,… cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Cán bộ, chiến sĩ công an các cấp tích cực, chủ động đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phát tán tài liệu vi phạm pháp luật; thường xuyên kiểm tra hành chính, nắm tình hình hoạt động, thống kê số lượng các trường hợp tham gia hoạt động trái pháp luật nhằm giáo dục, truyền thông để họ nhận thức đúng bản chất của các hoạt động núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phản đối các biểu hiện, việc làm tiêu cực, vi phạm pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
Ý kiến ()