Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
– Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) trên không gian mạng diễn biến phức tạp, nhất là thông qua mạng xã hội như zalo, facebook… có xu hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn, chiêu trò, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, chị D.T.P, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong tháng 7/2022, tôi bị lừa đảo mất số tiền 72 triệu đồng qua zalo. Thủ đoạn của đối tượng là hack nick zalo trong danh sách bạn bè của tôi, sau đó hỏi thăm, trò chuyện như bình thường. Tiếp đó, đối tượng hỏi vay tiền, hứa sẽ chuyển lại vào hôm sau, do tin tưởng là người quen của mình thật nên tôi đã chuyển tiền tới 3 lần, tổng cộng 72 triệu đồng.
Đối tượng Lại Quốc Dũng (lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook) tại cơ quan công an
Không chỉ trường hợp trên, thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng gặp thủ đoạn tương tự. Trong đó, thủ đoạn phổ biến là đối tượng lập tài khoản facebook, zalo, hoặc tìm cách hack nick tài khoản của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc để đặt vấn đề vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng. Ngoài ra, đối tượng sử dụng mạng xã hội nhắn tin trúng thưởng, giả làm người nước ngoài, gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra và cung cấp mã OTP. Sau đó, đối tượng kiểm soát tài khoản của bị hại, chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại sang các tài khoản của đối tượng rồi chiếm đoạt. Do chủ quan, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, nhiều người vì lợi ích trước mắt, bị các đối tượng lừa đảo đưa ra thủ đoạn đánh trúng tâm lý, tình cảm, lợi ích kinh tế nên đã trở thành nạn nhân.
Thượng tá Hoàng Gia Định, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) cho biết: Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, đơn vị đã tích cực nắm bắt tình hình, phát huy vai trò chủ công trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết 48 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội facebook, zalo lừa đảo CĐTS; tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt trên 8,8 tỷ đồng. Trong đó, phá 2 chuyên án, khởi tố 2 vụ, 5 đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi CĐTS, tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị đã điều tra, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh làm rõ 19 vụ lừa đảo CĐTS, lạm dụng tín nhiệm CĐTS, nghi vấn rửa tiền, đe doạ cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng số tiền bị thiệt hại hơn 4,3 tỷ đồng (trong đó đã khởi tố 13 bị can). Đơn vị cũng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 5 vụ người dân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, với tổng số tiền 690 triệu đồng.
Đơn cử, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 24/8/2022, Phòng PA05, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Tràng Định tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lại Quốc Dũng, sinh năm 2005, trú tại khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi CĐTS.
Trước đó, Lại Quốc Dũng sử dụng tài khoản facebook “Hoang The Anh” và “Dương Thành” liên lạc với một nạn nhân trú tại xã Đào Viên, huyện Tràng Định qua mạng xã hội để bán lại tài khoản ngân hàng (không chính chủ). Sau khi mua tài khoản này, nạn nhân sử dụng để thanh toán mua bán hàng hoá; khi chủ hàng chuyển tiền vào, Dũng đã chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản cùng số tiền hơn 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, Phòng PA05 và các đơn vị thuộc Công an tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo CĐTS trên không gian mạng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Phòng PA05 đã xây dựng và đăng tải 24 bài viết về các phương thức, thủ đoạn tội phạm trên mạng xã hội, fanpage của đơn vị và trang thông tin điện tử Công an tỉnh; phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng 1 bài viết, 4 phóng sự; đồng thời in, phát hành 254 bộ tài liệu (tổng cộng 5.000 trang), 13 đĩa CD tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo CĐTS trên không gian mạng gửi các đơn vị, sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể phục vụ tuyên truyền cho Nhân dân.
Lãnh đạo Phòng PA05 cho biết thêm: Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song hoạt động của tội phạm lừa đảo CĐTS trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, quần chúng Nhân dân cần đề cao cảnh giác, thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, sẵn sàng cung cấp thông tin và phối hợp đấu tranh, xử lý các đối tượng.
Ý kiến ()