Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo kiếm tiền online
– Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức kiếm tiền online với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham của con người, người dân cần hết sức đề cao cảnh giác để bảo vệ thông tin và tài sản của bản thân.
Vì nhẹ dạ, chị Nguyễn Thị H. (tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại xã Điềm He, huyện Văn Quan đã bị lừa hơn 30 triệu đồng khi tham gia làm cộng tác viên (CTV) online. Chị H. cho biết: Ngày 15/2/2022, thông qua Facebook, tôi có liên hệ với một người đăng tin tuyển CTV bán hàng cho Shopee. Tôi được hướng dẫn kết bạn qua Zalo với một tài khoản mang tên “Phạm Thị Hồng Tuyết”, tôi được Tuyết hướng dẫn làm CTV tăng tương tác bán hàng qua Shopee với mức thu nhập từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày. Vì cả tin nên tôi đã thực hiện theo yêu cầu của Tuyết.
Cán bộ Phòng ANM&PCTPCNC, Công an tỉnh trao đổi phương hướng giải quyết vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức lừa kiếm tiền online
Cụ thể, theo chia sẻ của chị H., tài khoản mang tên Tuyết đã yêu cầu chị H. chuyển khoản số tiền tương ứng với giá trị sản phẩm Shopee được gửi vào tài khoản mang tên “Trần Thế Anh”. Lần 1, chị H. đã chuyển số tiền 1.085.000 đồng, 5 phút sau khi chuyển khoản, chị nhận lại số tiền 1.195.000 đồng. Lần 2, chị H. tiếp tục thanh toán đơn hàng 3.119.000 đồng và nhận lại 3.493.000 đồng. Đến lần thứ 3, tài khoản tên Tuyết yêu cầu chị H. phải thanh toán 3 lần liên tiếp thì mới được hoàn tiền, vì vậy, chị H. đã chuyển khoản 3 lần với tổng số tiền là hơn 33 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đã thanh toán, chị H. nhận được tin nhắn của tài khoản Zalo mang tên “Nguyễn Thế Anh” thông báo lần thanh toán thứ 5 quá thời gian quy định nên nếu chị H. muốn nhận lại tiền thì phải thực hiện thanh toán lại. Nghi ngờ các đối tượng lừa đảo, chị H. đã không chuyển tiền nữa và đến trình báo với cơ quan công an.
Đây chỉ là một trong những trường hợp “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo, kiếm tiền online. Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPCNC), Công an tỉnh, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phần lớn các hoạt động như: giao dịch tài chính, ngân hàng, mua bán trao đổi hàng hóa… được thực hiện qua hình thức trực tuyến, mạng xã hội. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng đã tiếp cận những người đang có nhu cầu tìm việc làm trực tuyến; người bị mất việc do ảnh hưởng của dịch; người trẻ tuổi, sinh viên mới ra trường đang muốn tìm việc làm; phụ nữ nuôi con nhỏ… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kiếm tiền online.
Trung tá Hoàng Gia Định, Trưởng phòng ANM&PCTPCNC, Công an tỉnh cho biết: Phương thức các đối tượng sử dụng lừa đảo kiếm tiền online phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay như kiếm tiền qua ứng dụng, sàn giao dịch điện tử; kêu gọi đầu tư tài chính; tuyển CTV online… với nội dung hấp dẫn “làm việc tại nhà, kiếm tiền đơn giản; chỉ với yêu cầu có máy tính/điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng”… Các đối tượng sẽ đăng tải thông tin tuyển dụng lên các trang mạng xã hội, khi nạn nhân quan tâm, bình luận và đồng ý nhận việc, các đối tượng sẽ nhắn tin hướng dẫn nạn nhân cài ứng dụng, truy cập đường link và yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp (theo hình thức chuyển khoản) để nhận “nhiệm vụ”. Mỗi nhiệm vụ nạn nhân sẽ được chi trả lợi nhuận và khoản tiền “hoa hồng” từ 10 đến 30% số tiền vốn, nếu nạn nhân hoàn thành “nhiệm vụ” được giao, tiền sẽ được chuyển khoản về tài khoản của nạn nhân sau 5 đến 10 phút (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng). Các đối tượng sẽ trả đủ tiền gốc, tiền hoa hồng trong 3 đến 4 nhiệm vụ ban đầu trị giá vài trăm nghìn đồng, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn để nhận thêm nhiệm vụ với giá trị cao đến hàng chục triệu đồng. Lúc này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tài sản, không trả tiền cho nạn nhân với các lý do: mã lệnh sai, thao tác sai, chưa hoàn thành nhiệm vụ, nạn nhân đã gian lận… thậm chí là yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành nhiệm vụ cũ, nhận nhiệm vụ mới để được hoàn tiền gốc.
Bằng các phương thức lừa đảo tinh vi, các đối tượng đã dễ dàng dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin từ Phòng ANM&PCTPCNC, Công an tỉnh, từ tháng 12/2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và đang xác minh 5 vụ lừa đảo qua mạng xã hội bằng hình thức kiếm tiền online, tổng thiệt hại tài sản hơn 1,7 tỷ đồng.
Điển hình như chị Hoàng Thu M. (nhân vật đã được đổi tên), xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 260 triệu đồng qua hình thức đầu tư kiếm tiền online. Cụ thể, cuối tháng 11/2021, chị M. quen biết một đối tượng trên mạng xã hội và được đối tượng giới thiệu đầu tư kiếm tiền mỗi ngày từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng. Đối tượng đã hướng dẫn chị M lập tài khoản nạp tiền và cách chơi tại ứng dụng LENDBIZ có liên kết với trang “http://www.max3d.cc/Vip.html?c=92830833613″. Mỗi ván chơi kéo dài 5 phút, chị M chọn 1 số theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi kết thúc, chị M. được đối tượng báo hoàn thành nhiệm vụ và được thưởng 30% số tiền bỏ ra chơi. Sau 5 lần chơi, chị M đã nhận lại hơn 14.800.000 (tiền gốc) và hơn 4.700.000 đồng (tiền lãi). Tuy nhiên đến lần thứ 6 và thứ 7, chị M được báo là không hoàn thành nhiệm vụ, không nhận được tiền thưởng, chị M bị đối tượng “cò quay” (yêu cầu chị chuyển thêm tiền để nhận lại số tiền vốn và tiền lãi), cuối cùng khi đối tượng yêu cầu chuyển thêm 180 triệu đồng, nghi là lừa đảo, chị M đã đến cơ quan công an trình báo.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để phòng ngừa, ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng và cảnh báo đến người dân. Theo đó Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, đăng các tin, bài cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng và các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi tham gia giao dịch, tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội cần: tìm hiểu kỹ thông tin của doanh nghiệp và các đối tượng đăng tải thông tin tuyển dụng; yêu cầu doanh nghiệp tuyển dụng ký hợp đồng lao động với các điều khoản rõ ràng về chế độ, chính sách trả lương, thưởng; không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, số tài khoản ngân hàng, ví điện tử cho các đối tượng… Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần lập tức thông báo cho công an địa phương gần nhất.
Trước tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, thận trọng khi tham gia mạng xã hội, tránh “tiền mất tật mang”.
Hiện nay, trên 60% dân số tỉnh Lạng Sơn sử dụng các mạng xã hội. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay số vụ lừa đảo trên các mạng xã hội ngày càng gia tăng, với phương thức thủ đoạn tinh vi, bài bản. Thực hiện kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, chúng tôi đã xây dựng video tuyên truyền về các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội với 10 cảnh báo cụ thể, trong đó có các hình thức kiếm tiền online. Dự kiến đầu tháng 4/2022, chúng tôi sẽ phát hành video gửi các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở để tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân. Bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông |
Ý kiến ()