Cảnh giác với bệnh thủy đậu
(LSO) – Không khí lạnh của mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loai vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển và tồn tại lâu dài hơn ngoài môi trường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh thủy đậu. Tuy được đánh giá là một loại bệnh lành tính, song biến chứng của bệnh lại hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh, chính vì vậy mọi người cần nêu cao cảnh giác và chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Thủy đậu là bệnh do vi rút gây ra, bệnh có thể lây lan trực tiếp qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo và các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng giộp của người bệnh trong khoảng thời gian từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau khi phát ban. Ban của bệnh thủy đậu là những mụn nước có phần lõm ở giữa. Lúc đầu chứa dịch trong, nhưng chỉ sau 1 ngày, chất dịch trong mụn nước chuyển sang đục như mủ và sau 3 – 5 ngày mụn nước đóng vẩy và rụng dần.
Thăm khám bệnh thủy đậu cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Đa số các biến chứng của bệnh thủy đậu đều xuất phát từ những mụn nước bị nhiễm trùng. Nhẹ thì để lại sẹo, nặng thì có thể bị viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn tới tử vong. Ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến nguy cở sảy thai, thai chết lưu hay dị dạng thai nhi.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 11/2019, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện gần 500 ca bệnh thủy đậu, tăng 148 ca so với cùng kỳ năm 2018. Riêng trong tháng 11/2019 phát hiện 54 ca, tăng 52 ca so với cùng kỳ năm 2018. Phần lớn số trường hợp mắc bệnh đều là trẻ nhỏ, thường tự khỏi và không để lại ảnh hưởng nghiêm trọng nào tới sức khỏe.
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dấu hiệu để nhận biết bệnh thủy đậu thường là muộn, vì giai đoạn ủ bệnh diễn ra từ 10 đến 20 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh, người bệnh không có biểu hiện lâm sàng. Ở giai đoạn khởi phát bệnh, người bệnh bắt đầu mọc ban đỏ, kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu. Một số trường hợp có thể bị viêm họng, nổi hạch sau tai. Ở giai đoạn này rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm, sốt phát ban thông thường.
Đa số các trường hợp phát hiện bệnh đều ở giai đoạn toàn phát, giai đoạn này kéo dài từ 7 đến 10 ngày, người bệnh có sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Các ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, lõm ở giữa và dịch trong của mụn nước chuyển dần sang đục.
Giai đoạn toàn phát được đánh giá là nguy hiểm nhất, bởi thời điểm này dễ lây lan cho người khác nhất và cũng rất dễ gặp phải các biến chứng của bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách.
Ở giai đoạn này, các ban thủy đậu mọc khắp cơ thể, nhiều nhất là ở khuc vực tay, chân, lưng, mặt khiến cho cơ thể rất khó chịu, chính vì vậy, người bệnh cần được tắm rửa bằng nước ấm, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày. Có thể sử dụng dung dịch Methilene để chấm lên các nốt mụn nước đã vỡ. Lưu ý là phải sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng và khi sử dụng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Hiện nay, bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh, chính vì vậy để chủ động phòng bệnh thủy đậu đạt hiệu quả cao, ngoài tăng cường vệ sinh cá nhân hằng ngày, cách ly người bệnh, hạn chế tiếp xúc trong khoảng thời gian từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau khi phát ban thì mọi người cần chủ động đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc xin phòng thủy đậu.
MINH MẠNH (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Ý kiến ()