Cảnh giác trước thủ đoạn mạo danh trường đại học để lừa đảo
Hiện nay không ít thí sinh trượt các nguyện vọng chính, có nhu cầu học hệ liên kết tại các trường đại học, mặt khác, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên năm nay, thí sinh trúng tuyển đại học phải gửi đơn xác nhận nhập học và nhập học trực tuyến. Lợi dụng điều này, đã xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo gọi điện yêu cầu thí sinh nộp thêm các loại lệ phí để nhập học hoặc phí phỏng vấn online…
Do có nhiều gia đình phản ảnh con em mình nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu nộp thêm lệ phí để nhập học của các đối tượng tự xưng là cán bộ của trường, nên vừa qua trên Fanpage chính thức của Trường Đại học Hà Nội đã đăng tải lời cảnh báo lừa đảo đối với các tân sinh viên khi xác nhận nhập học, nhập học trực tuyến. Theo thông tin Trường Đại học Hà Nội công bố, học phí và các khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể) của khóa 2021-2025 đều đã được thông báo rõ ràng trên trang chủ của nhà trường. Vì vậy, nhà trường không thu thêm bất kỳ khoản nào khác. Cha mẹ sinh viên và các em không nộp tiền/chuyển khoản cho bất kỳ cá nhân nào gọi điện, nhắn tin yêu cầu thu thêm tiền.
Nội dung email lừa đảo gửi đến em Phùng Bích Thảo yêu cầu nộp lệ phí phỏng vấn online. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Một thủ đoạn nữa của các đối tượng lừa đảo, đó là chúng nhắm đến các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng nào, có nhu cầu xét học bạ và nộp hồ sơ vào các khoa đào tạo liên kết, đào tạo chất lượng cao của các trường đại học có tiếng tăm. Em Phùng Bích Thảo ở ngõ 211 Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội do không đủ điểm trúng tuyển vào ngành học yêu thích nên đã lên mạng internet tìm hiểu về các khoa đào tạo liên kết quốc tế, chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi, em Phùng Bích Thảo cho biết: “Khi lên mạng tìm hiểu, em thấy thông tin Khoa Quản trị kinh doanh có hệ đào tạo liên kết quốc tế nên đã tìm đường link nộp hồ sơ xét tuyển để nộp học bạ và phiếu điểm. Lúc đầu, các đối tượng lừa đảo chăm sóc rất tận tình, em gửi mail là họ phản hồi ngay, đồng thời gọi điện “tư vấn” rất cẩn thận và nhiệt tình. Sau đó, em nhận được mail thông báo đã qua vòng 1, chuẩn bị đến vòng 2 phỏng vấn online. Chi phí để phỏng vấn online là 300.000 đồng. Tuy nhiên ngay sau khi em nộp lệ phí để phỏng vấn online thì các đối tượng lừa đảo đã cắt liên hệ với em. Sau khi tìm hiểu thêm, em mới biết đây là các đối tượng lừa đảo lấy danh nghĩa của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy số tiền không lớn, nhưng theo em tìm hiểu thì rất nhiều bạn cũng bị lừa như em”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, có những nhóm đối tượng còn làm giả giấy báo trúng tuyển hệ liên kết quốc tế, trong đó kèm theo thông tin hướng dẫn thủ tục nhập học và mức học phí phải nộp lên đến hàng chục triệu đồng gửi đến thí sinh, cha mẹ các em. Để cha mẹ thí sinh tin tưởng, nhóm người này còn gửi hóa đơn giả và nhắn tin để yêu cầu chuyển khoản học phí được ghi trên hóa đơn. Nhiều trường đại học cho biết, đã có một số nạn nhân chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo này. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Đỗ Hoàng Nam, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Cha mẹ, học sinh nên vào cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, website của từng trường để đọc nguồn tin chính thức, gọi điện đến số điện thoại của nhà trường để kiểm chứng thông tin (tất cả các thông tin này đều được cập nhật công khai trên website). Dù xét tuyển theo phương thức nào thì tất cả trường đại học cũng đều phải tuân thủ khung thời gian của từng khâu trong quy trình xét tuyển mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”. Cũng theo Thạc sĩ Đỗ Hoàng Nam, sinh viên và cha mẹ khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu đóng thêm các khoản lệ phí để nhập học cần kiểm tra kỹ xem thông tin có đến từ các phòng, ban chuyên môn của các trường đại học hay không. Cần cảnh giác, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bất kỳ ai. Các sinh viên và gia đình hãy thật tỉnh táo, nắm rõ quy trình hướng dẫn nhập học của nhà trường để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, tránh những phiền phức không đáng có.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()