Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua hình thức tặng quà trên mạng xã hội
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận thông tin 24/24h để kịp thời điều tra, xử lý đối tượng lừa đảo
– Hiện nay, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ở địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau gây bức xúc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân. Nổi lên gần đây là lợi dụng việc nhãn hiệu thời trang YODY có chương trình tri ân khách hàng, các đối tượng đã tạo các trang Fanpage giả mạo trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Trong tháng 2/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức nói trên với tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 8 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng lập các trang fanpage trên mạng xã hội face book với tên trang có dạng như: “QUÀ TẶNG YO.DY”, “Quà Tặng TOdy 2”, “Yodyy quà tặng 07”, “Yody Tri Ân Khách Hàng”…sau đó đăng tải các bài viết với nội dung nhãn hiệu YODY tri ân khách hàng tặng và tặng quà miễn phí là các sản phẩm thời trang của hãng như túi xách, quần áo. Khi nạn nhân liên hệ, các đối tượng sẽ liên kết với nạn nhân đến mạng xã hội Telegram và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được nhận quà tặng từ nhãn hiệu thời trang YODY.
Ban đầu các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân làm nhiệm vụ đơn giản là xem video clip của nhãn hiệu YODY trên Youtube và nhận được 5.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi lượt xem. Các đối tượng sẽ gửi cho nạn nhân các video thật của nhãn hiệu YODY để tạo sự tin tưởng, sau đó sẽ yêu cầu nạn nhân nâng cấp nhiệm vụ để nhận được phần thưởng lớn hơn. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân xem video clip quảng cáo sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee sau đó chuyển cho chúng số tiền bằng giá sản phẩm để nhận tiền thưởng là phần trăm hoa hồng từ số tiền đã chuyển.
Để tạo sự tin tưởng, với mỗi giao dịch các đối tượng đều lập bảng kê chi tiết số tiền nạn nhân đã chuyển và số tiền thưởng sẽ được nhận. Các đối tượng liên tục yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiệm vụ với số tiền lớn dần đồng thời đưa ra các lý do như: để nhận phần thưởng lớn hơn thì phải lưu lại phần thưởng trước đó hoặc khi làm đủ nhiệm vụ mới nhận được toàn bộ số tiền gồm tiền đã chuyển và tiền thưởng… buộc nạn nhân phải tiếp tục chuyển tiền.
Các nạn nhân do nhẹ dạ, cả tin là sẽ nhận được số tiền thưởng rất lớn nên đã chuyển tiền để thực hiện “nhiệm vụ”. Sau khi đã chuyển tiền nhiều lần, với tâm lý muốn lấy lại được số tiền đã chuyển trước đó nên tiếp tục chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ các đối tượng sẽ cắt liên lạc với nạn nhân và chiếm đoạt toàn bộ số tiền nạn nhân đã chuyển.
Thượng tá Hoàng Gia Định, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng xã hội, mạng viễn thông ngày càng diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi. Vì vậy rất cần có sự vào cuộc, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành, cơ quan thông tấn báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân, học sinh, sinh viên, đặc biệt tại địa bàn khu dân cư, vùng sâu, vùng xa để người dân biết về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo, nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Lực lượng công an sẽ tiếp tục có những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh mạnh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cùng đó, người dân cần tích cực phối hợp, cung cấp thông tin về đối tượng lừa đảo và đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Ý kiến ()