Cảnh giác trước thủ đoạn “bánh vẽ” huy động vốn để lừa đảo
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Bán vịt giời”, trả lãi suất cao để huy động vốn
Với hơn 5.000 tỷ đồng huy động được từ việc trả lãi suất cao cho những cổ đông góp vốn, Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát do ổ nhóm đối tượng Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn (đều SN 1982) ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội điều hành, đã lừa đảo hàng nghìn người dân để chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án kinh tế mới nhất được Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp các đối tượng gây án.
Lật giở những chồng hồ sơ của vụ án trên, các điều tra viên thụ lý cho biết, xuất phát điểm của công ty này với tên gọi Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát. Lý do có chữ “truyền thông” bởi Nguyễn Thị Khuyên trước đó từng làm truyền thông cho một số công ty, doanh nghiệp. Sau khi rời khỏi vị trí trên, Khuyên cùng với những “cộng sự” của mình là Văn Đình Toàn, Bùi Thị Minh Nguyệt (SN 1968, ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) đã thành lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát vào tháng 6/2019. Mặc dù đăng ký vốn kinh doanh là 30 tỷ đồng nhưng trên thực tế các đối tượng không góp vốn.
Chỉ sau 2 tháng, số vốn ảo này tiếp tục được các đối tượng tăng từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Sức mạnh của công ty trên được thổi phồng lên bằng vốn ảo cùng với đó đến đầu tháng 12/2019 đã đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát. “Với vốn ảo 100 tỷ đồng cộng với công ty có gắn hai chữ “tập đoàn” và đặc biệt là lãi suất rất cao dành cho người góp vốn nên có lẽ đây cũng là “thính” thơm khiến cho nhiều nhà đầu tư dính bẫy của các đối tượng”- điều tra viên vụ án đánh giá.
Kịch bản được nhóm của Khuyên và đồng phạm dựng lên đó là thành lập nhiều văn phòng ở các tỉnh thành, trả phần trăm “hoa hồng” cao cho số cộng tác viên để lôi kéo khách hàng góp tiền đầu tư vào công ty. Để tăng thêm uy tín với các nhà đầu tư, Khuyên và đồng bọn còn mua những mặt hàng thông dụng cho đến xa xỉ nhằm trưng bày. Với lãi suất “khủng” dành cho nhà đầu tư theo kiểu lấy tiền của người trước trả cho người sau tương tự như hình thức đa cấp, từ năm 2019 đến nay, ổ nhóm trên đã huy động hơn 5.100 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Và từ tháng 9/2023 đến nay, Khuyên cùng nhóm đối tượng trên không có khả năng thanh toán, chi trả cho các nhà đầu tư như đã cam kết, chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Cao tay hơn Khuyên và ổ nhóm trên phải kể tới “siêu lừa” Vũ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam. Với nhân thân từng có một tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không khó để Thúy lập lên cho mình một kế hoạch lừa tầm cỡ hơn. Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, đồng thời cam kết trả lãi suất 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thúy lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước và không khác gì rắc thính đa cấp. Bằng thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 người với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trước đó, ngày 14/3, vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Tập đoàn Bankland đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố. Theo điều tra ban đầu, doanh nghiệp này đã tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện để quảng cáo về nhiều ngành nghề kinh doanh (như bất động sản, mua bán ôtô, cổ phiếu nội bộ...) để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6-72 tháng với mức 43,2%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Bankland không có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Cơ quan Công an xác định có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền góp vốn trên 400 tỷ đồng vào Công ty Bankland.
Cẩn trọng trước những dấu hiệu bất thường
Đánh giá phương thức hoạt động của các đối tượng trên, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, qua điều tra cũng như nghiên cứu những vụ án chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh, điểm chung của các đối tượng trên là đều sử dụng pháp nhân công ty, mà công ty càng hoành tráng càng dễ “lùa gà”. Chúng vẽ ra những dự án “ma”, các hợp đồng góp vốn, huy động vốn với lãi suất cao để mời gọi nhà đầu tư. Các đối tượng “đánh bóng” bản thân bằng những hoạt động xã hội từ thiện, trao quà tặng, tri ân khách hàng… cùng cuộc sống “sang, xịn, mịn” với biệt thự cao cấp, ôtô đắt tiền, đồ hiệu đã dễ dàng lôi kéo, tạo sự tin tưởng của các bị hại.
Lấy ví dụ về vụ án của Công ty Bất động sản Nhật Nam do Vũ Thị Thúy điều hành, Phòng Cảnh sát Kinh tế cho biết, đây là vụ án tiêu biểu cho hành vi “vẽ” dự án, quảng cáo dự án lên mây lên gió để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vũ Thị Thúy và Công ty Nhật Nam đã quảng cáo rầm rộ nhiều dự án trải dài trên khắp đất nước, ở những vị trí đắc địa. Những dự án này được Vũ Thị Thúy dựng lên thuộc sở hữu của Công ty Nhật Nam trực tiếp triển khai hoặc liên danh, liên kết với các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài. Hay như quỹ đất dành cho các dự án của Công ty Nhật Nam cũng dồi dào, đủ để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư góp vốn lấy lãi suất cao. Cơ quan chức năng đã xác định, phần lớn những dự án, đất đai mà Công ty Nhật Nam quảng cáo là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa được cấp phép đầu tư hoặc do các cá nhân, tổ chức không phải của Công ty Nhật Nam đứng tên, sở hữu.
Có một thực tế là, để tạo niềm tin từ các khách hàng, nhà đầu tư, bên cạnh việc “vẽ” ra những dự án khủng, trả lãi suất thật cao, hầu hết các công ty, tập đoàn lừa đảo trên đều làm truyền thông, đánh bóng tên tuổi rất hiệu quả bằng chính những người có ảnh hưởng trong xã hội. Không ít công ty, nhóm đối tượng đã đăng ký doanh nghiệp với vốn điều lệ lớn nhưng thực chất là “vốn ảo”, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ, với xã hội để làm diễn giả, khách hàng vàng, khách hàng bạc trong các hội nghị khách hàng, sự kiện lớn của công ty, tập đoàn. Ngay như Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Pháp còn xây dựng hẳn một phòng thu, mời những diễn viên nổi tiếng đến ghi hình, phát những video clip trên các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo cho hoạt động của công ty nhằm thu hút nhà đầu tư bơm tiền vào nhằm chiếm đoạt.
Một trong những rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt đó là khó có thể thu hồi đầy đủ tài sản đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Các đối tượng thường sử dụng một phần số tiền của người trước để trả lãi cho người sau, số còn lại được sử dụng trả nợ, chi tiêu cá nhân. Khi những nhà đầu tư đến sau nhận thấy được bản chất của sự việc, không đem tiền “nướng” vào những dự án “ma”, “bánh vẽ” trên thì nguồn tiền để trả lãi suất cho những nhà đầu tư trước đó bị cắt đứt. Đó còn chưa kể nhiều đối tượng đã chuyển hóa tiền lừa đảo thành các tài sản ở các hình thức khác nhau đem cất giấu, dẫn tới việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong những vụ án này là không hề đơn giản.
Để tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân trước khi “xuống tiền” đầu tư cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thông tin những dự án, công ty nơi đang chuẩn bị tham gia đầu tư, góp vốn. Bên cạnh đó, cần cảnh giác, tỉnh táo trước những “bẫy” lãi suất cao được đưa ra và có biện pháp, cơ chế theo dõi, quản lý nguồn tiền đã đầu tư, tránh “tiền mất tật mang”.
Ý kiến ()