Cảnh giác trước ốc sên nhỏ hại hoa màu
LSO-Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hàng trăm ha rau màu được trồng tập trung chủ yếu tại 3 xã Mai Pha, Quảng Lạc, Hoàng Đồng. Trung bình mỗi ngày cung cấp hàng chục tấn rau xanh các loại cho người dân thành phố và phục vụ khách du lịch. Nhiều hộ đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ trồng rau màu. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhất là từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ốc sên nhỏ hại hoa màu với mật độ khá lớn, gây ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.
Ốc sên nhỏ hại rau cải bắp |
Anh Chu Đức Luyện, nhà ở thôn Co Măn, xã Mai Pha cho biết: Hiện rau màu nhà anh trồng đang bị một loại ốc sên nhỏ, đường kính chỉ 1- 1,5cm phá hoại. Đây là loại ốc sên có tốc độ phát triển và sinh trưởng rất nhanh. Nhiều năm trước đây, loại sên này đã từng xuất hiện nhưng số lượng không nhiều, thỉnh thoảng mới thấy lác đác vài con ở bờ rào, luống rau. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, chúng xuất hiện với số lượng khá lớn, và nhất là từ đầu năm 2014 đến nay thì xuất hiện với mật độ dày đặc, lên đến hàng trăm con/m2. Nhiều diện tích rau màu nhà anh trồng đã bị loại ốc sên này tàn phá, không được thu hoạch. Tương tự, anh Vũ Thế Ước, nhà ở xã Hoàng Đồng phản ánh: nhà anh có tận dụng một mảnh đất nhỏ, khoảng 70m2 để trồng một số loại rau với mục đích được sử dụng rau sạch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện một loại ốc sên nhỏ hại rau màu với số lượng rất lớn. Theo anh Ước, loại ốc sên này ăn tất cả các loại rau màu, nhưng trong vườn anh chỉ trồng rau ngót và rau cải bắp. Vậy mà, những cây cải bắp, rau ngót nhà anh thường xuyên có từ 30- 70 con/cây. Còn anh Hoàng Văn Hòa, thôn Mai Thành, xã Mai Pha thì vừa chỉ bức tường phía sau nhà loang lổ vết nhớt cùng hàng trăm con ốc sên to, nhỏ đủ cỡ đang đeo bám, vừa lắc đầu nói với giọng hài hước: khoảng 2- 3 năm trở lại đây mới thấy giống ốc sên này “tái xuất giang hồ”, phá hoại rau màu. Có thể là do ô nhiễm môi trường hoặc hiện nay người ta không chăn thả gà tự do như trước, không có thiên địch nên ốc sên mới phát triển với tốc độ nhanh chóng như vậy. Chị Hoàng Thị Vinh, nhân viên Công ty TNHH Huy Hoàng chia sẻ: Hiện công ty đang triển khai đặt các thùng rác to tại nhiều tuyến đường. Vì vậy, mỗi khi tôi đi theo xe để thu gom rác đều thấy rất nhiều ốc sên loại nhỏ bám dày đặc xung quanh miệng thùng rác, nhất là các thùng rác đặt ở các khu vực xã Mai Pha, Hoàng Đồng, Quảng Lạc, những nơi có nhiều cây xanh, thảm cỏ. Thế nhưng khi phóng viên Báo Lạng Sơn trao đổi thì các cấp chính quyền, các ngành chức năng mới biết hiện đang có nạn ốc sên phá hoại rau màu xảy ra trên địa bàn. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể về diện tích cây cối, rau màu bị thiệt hại. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì địa bàn thành phố mà tại hầu hết các huyện trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.
Phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đại Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật từ cuối tháng 4/2014. Tuy nhiên ông Dũng khẳng định chưa nhận được thông tin gì về việc ốc sên gây hại, sau đó cho biết sẽ cử người đi xem xét thực tế và sẽ trả lời sau. Ngày 12/5/2014, phóng viên Báo Lạng Sơn tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Dũng và được ông cho biết: đúng là hiện nay trên địa bàn thành phố đã xuất hiện loại ốc sên nhỏ hại cây cối, hoa màu, một số nơi có mật độ khá lớn, gây tâm lý e ngại cho bà con. Loại ốc sên nêu trên có danh pháp khoa học là Achatina fulica, là loại động vật thân mềm thuộc họ Achatinidae. Tuy nhiên do chúng có kích thước tương đối nhỏ nên mặc dù có gây hại nhất định cho cây trồng nhưng khó có nguy cơ phát sinh thành dịch. Dù vậy, bà con cũng nên cảnh giác, chủ động phòng trừ theo các phương pháp sau: dọn sạch lá khô, lá mục, rễ mục để ốc sên không có nơi sinh sản. Do chúng có vỏ dày nên việc diệt trừ bằng phương pháp hóa học như phun thuốc trừ sâu sẽ không đạt hiệu quả cao, lại gây ô nhiễm môi sinh nên hiện nay, các biện pháp phòng trừ chủ yếu vẫn là các phương pháp thủ công như: bắt bằng tay hoặc dùng bẫy, bả nghĩa là dùng một số loại thức ăn có mùi chúng ưa thích nhưng chỉ gây độc với cơ thể ốc sên mà không ảnh hưởng tới môi sinh; thả thiên địch như cóc, ếch, nhái hoặc gà, vịt để tiêu diệt ốc sên. Ngoài ra, giống ốc sên cũng rất sợ mùi kim loại đồng, long não, vì vậy bà con nên để một số vật dụng bằng đồng hoặc các túi mỏng chứa long não để trong vườn, ốc sên sẽ sợ, không dám đến quấy phá.
Rõ ràng việc ốc sên nhỏ hại hoa màu xuất hiện với mật độ lớn đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Mặc dù theo ý kiến của cơ quan chuyên môn là “khó có thể phát triển thành dịch”. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cách đây 2 năm, do chủ quan nên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch châu chấu gây hại hàng loạt cho các loại cây trồng, nhất là ngô, lúa, tre, mai. Với ốc sên nhỏ, hiện có thể chưa bùng phát thành dịch, dù vậy, với tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, cộng với sự chủ quan của một số cấp chính quyền, ngành hữu quan, ai có thể khẳng định trong thời gian tới ốc sên nhỏ không thể bùng phát thành dịch?
HOÀNG HUY
Ý kiến ()