Cảnh giác trước nguy cơ cao
LSO-Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 25/3/2018, từ đầu tháng 3/2018 đến nay, các địa phương trên cả nước chưa báo cáo ổ dịch cúm trên đàn gia cầm mới phát sinh, nhưng nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán gia cầm tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn |
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 4,5 triệu con. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch bệnh nào trên đàn gia cầm. Đây là điều đáng mừng, bởi theo quy luật, sau một thời gian rét đậm, rét hại kéo dài có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch của gia cầm, đây là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh sinh trưởng và phát triển khiến nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát.
Trước đó vào tháng 2/2018, tại xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng phát hiện 1 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm. Tổng số mắc bệnh và chết là 2.200 con gà. Đàn gà mắc bệnh được mua từ tỉnh Thái Nguyên về, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển và chưa được tiêm phòng vắc-xin CGC.
Rút kinh nghiệm từ việc này, ngành thú y tỉnh đã chủ động tuyên truyền cho người dân tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và thường xuyên phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, nâng cao ý thức cảnh giác dịch bệnh. Chỉ tính từ đầu tháng 3/2018 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh cấp phát 4.200 lít thuốc sát trùng cho 11 trạm thú y các huyện, thành phố để phun khử trùng khu vực chăn nuôi…
Ngoài ra, để chủ động phòng chống dịch cúm trên đàn gia cầm, trong gần 3 tháng qua, lực lượng thú y còn tuyên truyền để các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho gần 150 nghìn con gia cầm. Cùng với đó, nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với cơ quan thú y vùng 2 triển khai lấy mẫu giám sát cúm gia cầm (do dự án FAO tài trợ) tại 6 chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cán bộ thú y trực tiếp kiểm dịch và tiêm phòng cho gần 15 nghìn con gia cầm tại chợ.
Ông Chu Nguyên Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, cán bộ kiểm dịch đã lấy 119 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tập trung vào nhóm gia cầm tại các chợ. Qua test nhanh, các mẫu đều âm tính, các mẫu này gửi đến Cục Thú y xét nghiệm đối chứng cũng đều âm tính với cúm A. Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm có thể tái phát, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung xét nghiệm vi-rút cúm A trên đàn gia cầm.
Ngoài chủ động phòng dịch bệnh trong nội tỉnh, việc kiểm soát đàn gia cầm từ các địa phương khác nhập tỉnh cũng được cơ quan thú y đặc biệt chú trọng. Ông Mã Văn Hoàng, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng cho biết: Bất cứ xe vận chuyển gia cầm nào qua, cán bộ trạm đều kiểm tra biểu hiện của gia cầm, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng xe chở gia cầm vào tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, trạm đã kiểm soát bệnh đối với 128 xe ô tô vận chuyển gần 30 nghìn con gà vịt thịt nhập tỉnh.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện có rất nhiều nguy cơ có thể gây xâm nhiễm hoặc gây bùng phát dịch cúm gia cầm. Đầu tiên phải kể đến, đó là nguy cơ xâm nhiễm từ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Cùng với đó là vấn đề gia cầm nhập tỉnh nếu không được kiểm soát tốt sẽ để lọt gia cầm bị nhiễm bệnh, qua đó sẽ khiến đàn gia cầm chăn nuôi tại tỉnh nhiễm bệnh. Vì vậy, các cấp, ngành, người chăn nuôi cần cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm có thể tái phát trở lại. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin trên đàn gia cầm; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()