Cảnh giác trước chiêu lừa: “lợn nái nhái lợn rừng”
LSO-Sau ngày 8/3, ông hàng xóm nhà tôi hớn hở khoe: nhân ngày Quốc tế phụ nữ, tôi vừa chiêu đãi cả nhà bữa thịt lợn rừng, chẳng đắt hơn thịt lợn bán ngoài chợ là mấy mà lại ngon nữa. Thấy ngạc nhiên trước giá “không đắt hơn thịt lợn ngoài chợ là mấy” nên tôi cố gặng hỏi, càng gặng thì ông lại càng úp mở: chỉ tầm trăm nghìn/kg thôi, bán đầy ngoài kia kìa. Rồi sau đó ông lại lảng sang chuyện khác nên tôi đành phải đổi “chiến thuật”.
Thịt lợn nái nhái thịt lợn rừng bày bán tại ngã 4 Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Thái Học, thành phố Lạng Sơn |
Đúng như các cụ nói “tửu nhập, ngôn xuất”, sau vài chén rượu ông mới khai thật: thịt lợn rừng ông mua hôm vừa rồi là ở vỉa hè đường Trần Đăng Ninh, ngay cạnh cổng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, giá 110 nghìn đồng/kg, người bán không những để nguyên cả lớp bì dày cộp mà còn cẩn thận thui lông sạch sẽ nữa. Nghĩ chẳng mấy khi mua được lợn rừng với giá hời như vậy nên ông mua liền 300 nghìn, được người bán khuyến mại thêm cho nên được gần 3kg. Không chỉ ông, mà còn rất nhiều người khác cũng mua, con lợn hàng tạ mà chỉ loáng một cái là hết veo. Thỉnh thoảng đi đường ông vẫn thấy người ta bày bán ở các ngã 3, ngã 4, hoặc khu vực đầu cầu Kỳ Lừa, nếu tôi muốn mua thì chỉ chịu khó để ý là được.
Sốc trước giá lợn rừng rẻ như vậy nên tôi đã cố công tìm hiểu thực hư bằng cách sớm sớm di dạo qua các địa chỉ đã được ông hàng xóm “bật mí”. Chỉ đến ngày thứ hai, khi đưa con đi học, tôi đã được mục sở thị ngay tại khu vực ngã 4 đường Đinh Tiên Hoàng- Nguyễn Thái Học: hai người đàn ông còn khá trẻ khệ nệ bê một con lợn nặng hàng tạ đã thui sạch sẽ rồi đặt xuống mấy cái bao dứa đã trải sẵn. Sau đó cẩn thận lôi từ trong bao tải ra dao, thớt, cân, túi bóng và cái thủ lợn có cắm chiếc đuôi đen sì ở miệng, vẫn còn nguyên lông. Hai người đàn ông vừa động dao thớt đã có dăm, bảy người xúm lại mua, người ít thì 1kg, người nhiều thì 2- 3kg. Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, con lợn nặng hàng tạ đã vơi quá nửa. Lựa lúc người mua đã vãn, tôi lân la đến hỏi người đàn ông nhiều tuổi hơn: đây là thịt lợn gì hả anh? Người đàn ông vừa cười vừa nói: lợn rừng đấy. Tôi lại hỏi giá, người đàn ông bảo: cũng tùy, thịt mông thì 100 nghìn/kg. Tôi ngỏ ý không tin thịt lợn rừng lại có giá như vậy, và giả vờ băn khoăn: hay là thịt lợn bệnh? người đàn ông cười giả lả: không phải lợn bệnh đâu, nói thật mới chú nhé, thịt lợn làng đấy, nuôi lâu năm rồi mới bán nên chẳng khác gì thịt lợn rừng đâu. Bây giờ lợn rừng được nuôi công nghiệp rồi, ăn chắc gì đã ngon bằng thịt lợn này. Chú cứ mua về ăn thử, thịt vừa ngon, vừa chắc, hầu như ngày nào anh cũng bán ở dọc các vỉa hè, chỉ một buổi sáng là hết veo, nếu không ngon thì làm sao bán được như thế. Vừa tỏ ý ngần ngừ, tôi vừa tranh thủ khai thác thêm một số thông tin như: lợn mua ở đâu, giá bao nhiêu, có bị bệnh gì không… nhưng người bán hàng nhất định không chịu nói thêm nên tôi đành đánh bài chuồn.
Khi đem chuyện nói trên kể lại với một chú em, tên là Hoàng Văn Hiên, ở thôn Nà Lốc, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, Hiên cười ngất: bài này bây giờ mới phổ biến ở thành phố à, trước đây bọn em thỉnh thoảng vẫn làm nhưng giờ thôi rồi. Nếu anh muốn biết thì vào quán uống chén rượu, em nói cụ thể cho. Sau vài ly “thuốc nói”, Hiên thao thao bất tuyệt: anh có biết thịt lợn được người ta bày bán ở hè đường là thịt lợn gì không? Không phải lợn rừng, lợn làng cũng chưa chuẩn mà gọi đúng phải là là thịt lợn nái sề. Thông thường, lợn nái sau khi nuôi vài năm, đẻ được khoảng chục lứa trở lên người ta sẽ phải thay nái mới. Những con nái sề, vừa già, vừa dai, da lại trụi lông, sần sùi. Mà theo quan niệm của người dân tộc, thịt lợn nái rất độc, nhất là đối với người bị bệnh, đặc biệt là bệnh xương khớp. Do vậy, có bán bằng nửa giá thông thường cũng chẳng có ai mua. Nếu có mua thì cũng phải lột lớp da đi, rồi bán cho các cơ sở chuyên làm ruốc, lạp xường.
Do giá rẻ nên trước đây, bọn em cũng mua về giết mổ như bình thường, sau đó lấy ga về khò cho sạch lông và có màu vàng hấp dẫn rồi nói là thịt lợn rừng hoặc thịt lợn làng. Thông thường hay nói là thịt lợn làng, do gia đình có người ốm, nuôi để phòng bất trắc nên đã nuôi được vài năm rồi nhưng vẫn chưa sử dụng đến, nay thấy quá tốn kém nên bán đi. Rồi Hiên cho biết thêm: thông thường nuôi lợn nái người ta hay nuôi giống lợn khoang nên đầu với đuôi thường có màu đen, phần này hay được người bán để nguyên để lừa người mua. Còn việc thui lông là do lợn nái sề có lớp da rất dày, nếu lột đi thì thịt sẽ mỏng, người mua sẽ hay chú ý, ngoài ra, da lợn nái sề thường hay bị trụi lông hoặc sần sùi, nhìn rất xấu, thui đi nhìn sẽ đẹp hơn. Còn một lý do quan trọng nữa là thường lợn rừng hay có 3 sợi lông trên 1 lỗ chân lông, lợn thường thì chỉ có 1 sợi duy nhất, thui đi thì sẽ dễ lừa được người người mua. Trước đây, mỗi con lợn như thế, bọn em lãi hàng triệu đồng, nhưng em nhận thấy lừa lọc người khác là rất thất đức nên bây giờ em giải nghệ rồi, chỉ đi vào các xã lân cận gom lợn thịt cho các lò mổ ở Đồng Đăng thôi.
Theo lời người bán hàng tôi đã trao đổi ở đường Đinh Tiên Hoàng, hàng ngày, vào buổi sáng sớm, tôi đều tranh thủ lượn lờ qua các ngã 3, ngã 4, hoặc nơi thường xuyên có mật độ người qua lại đông đúc thì đều thấy hầu như ngày nào cũng có một vài hàng thịt được bày bán công khai tại các vỉa hè, hành vi nói trên không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông nhưng không thấy có cơ quan chức năng nào kiểm tra, nhắc nhở. Còn đối với việc “thịt lợn nái nhái thịt lợn rừng” thì ngoài các đặc trưng đã nêu trong bài viết, điều dễ nhận diện nhất là thịt lợn nái sề thường bị cắt bỏ vú để tránh bị người mua phát hiện.
HOÀNG HUY
Ý kiến ()