Cảnh giác lừa đảo xuất khẩu lao động
LSO-Tâm lý chung của nhiều người lao động (NLĐ) là muốn làm thủ tục đi xuất khẩu nhanh, có công việc nhẹ, lương cao… Nắm bắt được điều đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng để chiếm đoạt tài sản, gây ra hậu quả đáng tiếc và hệ lụy xấu cho xã hội.
Cá nhân đăng thông tin tuyển lao động xuất khẩu |
Câu chuyện của chị Dương Thị H, ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đến bây giờ vẫn ám ảnh họ hàng, làng xóm. Theo chị H, 2 năm về trước, nghe lời giới thiệu của 1 công ty môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hà Nội, chị vay mượn đủ số tiền hơn 100 triệu đồng để đi “giúp việc nhà” ở Kuwait (là 1 trong các nước ở Trung Đông). Ngay khi bước sang đất khách, chị vỡ lẽ mình bị lừa bởi cuộc sống không khác gì nô lệ, không giao tiếp, không được ra ngoài, tịch thu điện thoại… Trốn khỏi nhà chủ, chị và một số người khác bị đưa vào khu vực tị nạn. Không hợp thức ăn, nước uống, khí hậu, từ người có cân nặng 50 kg, chị chỉ còn 38 kg. Đến tháng 2/2018, thông qua Đại sứ quán, chị may mắn được đưa về Việt Nam. Tiền mất, tật mang, giờ chị lại gánh thêm khoản nợ gần 200 triệu đồng.
Người lao động làm thủ tục đăng ký xuất khẩu lao động |
Còn chị Lương Thị H ở Thạch Đạn, Cao Lộc đã từng mất mấy chục triệu “phí ban đầu” cho một người quen để môi giới sang Malaysia XKLĐ. “Hồ sơ” đã làm xong từ lâu, nhưng khi đến hạn để làm thủ tục đi XKLĐ thì người quen bỗng không liên lạc được. Chị H chia sẻ: Trong cái rủi có cái may, mặc dù mất tiền nhưng vẫn còn đỡ hơn là việc đã sang được nơi đất khách lại không có tiền về, lang thang ở đấy sớm muộn cũng bị bắt; đó là chưa kể bị bóc lột…
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo XKLĐ ngày càng tinh vi. Lợi dụng nhận thức pháp luật hạn chế của NLĐ nên nhiều công ty môi giới trá hình, cò XKLĐ dụ dỗ họ làm công việc nhẹ nhàng, lương cao; đặc biệt không yêu cầu cao về kỹ năng, ngoại ngữ, thời gian đi ngắn. Các đối tượng thường tạo vỏ bọc là công ty có trụ sở riêng, thuê ô tô, thuê nhà mở lớp dạy tiếng nước ngoài, phát tài liệu, ký hợp đồng… Thậm chí các đối tượng còn tuyển nhân viên và nhiều cộng tác viên tuyển dụng lao động trên các trang mạng xã hội.
Gần đây nhất, tháng 3/2018, 1 tài khoản facebook “Hoang Hai” (địa chỉ định vị tại thành phố Bắc Giang) đã đăng trong nhóm “Chợ Lạng Sơn” nội dung tuyển lao động xuất khẩu (LĐXK) sang Quảng Tây (Trung Quốc) theo thỏa thuận hợp tác. Để tạo lòng tin, đối tượng đã đăng ảnh giấy đăng ký XKLĐ, ảnh công nhân đang giờ ăn cơm và số điện thoại liên hệ… Với trang mạng xã hội có 36.000 thành viên và nội dung “nóng”, chỉ trong mấy phút đăng tải, đã có nhiều lượt người quan tâm và bình luận, hỏi về thủ tục để đi XKLĐ. Trước thông tin này, phóng viên đã trao đổi với ông Trương Minh Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ triển khai thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới. Ông Thảo cho biết: Đơn vị không giao cho bất cứ cá nhân nào đăng thông tin tuyển LĐXK sang Trung Quốc như thông tin tài khoản facebook “Hoang Hai” đăng trên mạng xã hội. Mọi thông tin về việc tuyển LĐXK theo thỏa thuận hợp tác đều được đăng chính thức trên website của trung tâm và có số điện thoại liên hệ của trung tâm.
Thực tế, “bẫy” XKLĐ khiến NLĐ hoang mang, ảnh hưởng đến việc XKLĐ hợp pháp. Theo bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, để nhận diện lừa đảo XKLĐ, NLĐ cần lưu ý một số điểm như: Công ty XKLĐ phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho NLĐ. Đây là điều kiện bắt buộc. Sau đó, khi thấy văn phòng tư vấn XKLĐ mà có “liên kết” với công ty khác thì phải tìm hiểu xem có liên kết thật hay không; khi ký hợp đồng thì NLĐ cần yêu cầu được ký trực tiếp với công ty XKLĐ; việc “bao” làm hộ chiếu cho NLĐ cũng là điểm nhận diện thủ đoạn lừa đảo… Do đó, để tránh bị lừa, tốt nhất NLĐ nên tìm hiểu thông tin, thủ tục tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.
THANH HÒA
Ý kiến ()