Cảnh giác lừa đảo xin việc
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hoàng Bích Mai 20 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Gần 5,58 tỷ đồng là số tiền mà Hoàng Bích Mai, nguyên giáo viên Trường Phổ thông cơ sở nội trú xã Quang Trung, huyện Bình Gia lừa đảo “chạy việc” để chiếm đoạt của gần 90 bị hại từ năm 2009 đến năm 2015. Nhận thấy rất nhiều gia đình có nhu cầu xin việc cho con, Mai đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn tự nhận bản thân quen biết với nhiều lãnh đạo tỉnh, có khả năng xin được vào biên chế các cơ quan nhà nước, thậm chí xin đi học tại các trường công an nhân dân. (Hoàng Bích Mai đã phải nhận mức án 20 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử tháng 2/2017).
Trước đó, trên 1 tỷ đồng là số tiền mà Lê Hoàng Tuyến đã lừa đảo “chạy việc” để chiếm đoạt của 17 bị hại từ năm 2012 đến năm 2014. Để lừa đảo lấy được tiền của những gia đình có nhu cầu xin việc cho con, trong thời gian năm 2012 và 2013, Lê Hoàng Tuyến khi đó đang công tác tại Sở Giáo dục và Đào tào tỉnh và sau đó công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc đã đưa ra các thông tin gian dối để tạo lòng tin với các bị hại như: có khả năng xin việc làm, giúp người khác thi đỗ công chức, chuyển vùng công tác, xin vào biên chế ngành giáo dục…(Lê Hoàng Tuyến phải nhận mức án 12 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử cuối năm 2015).
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ lừa đảo “chạy việc” để chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2013 đến nay, năm nào tòa án nhân dân 2 cấp trong tỉnh cũng xét xử từ 1 đến 2 vụ lừa đảo “chạy việc”. Thực tế cho thấy, các đối tượng lợi dụng nhu cầu xin việc lớn, nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa đảo. Nhiều gia đình để có tiền “chạy việc” cho con đã phải gồng mình tìm mọi cách xoay xở, vay mượn. Điển hình như gia đình bà M.T.H ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định, nghe người trung gian giới thiệu Hoàng Bích Mai có khả năng xin việc, gia đình bà cố gắng vay mượn 40 triệu đồng để có tiền “chạy việc” với hy vọng con có việc làm ổn định trong một cơ quan nhà nước, đời sống sẽ bớt cơ cực. Thế nhưng tiền mất mà con vẫn không có việc làm.
Nhiều trường hợp, đối tượng xấu còn chủ động liên lạc để lừa đảo. Biết N.H.T, trú tại xã Bắc Xa, huyện Đình Lập có nhu cầu xin vào biên chế ngành giáo dục trên địa bàn, Lê Hoàng Tuyến đã chủ động điện thoại cho T là mình quen biết rộng, có khả năng xin cho T vào biên chế với phí “chạy việc” là 50 triệu đồng. T phải xoay xở khắp nơi để có tiền đưa cho Tuyến. Sau khi đưa tiền, T không hề được hướng dẫn làm hồ sơ và cũng không được vào biên chế.
Các vụ việc lừa đảo xảy ra, bên cạnh thủ đoạn của các đối tượng, bản thân các gia đình bị hại cũng có một phần lỗi bởi họ quá nhẹ dạ cả tin. Do vậy, khi nghe có người “chạy” được việc cho con là bằng mọi cách lo có tiền để “chạy việc”. Sau khi đưa tiền, các đối tượng bặt vô âm tín, đến lúc này nhiều gia đình mới biết mình bị lừa thì đã muộn.
Trước thực tế trên, công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về hành vi lừa đảo “chạy việc” cần được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên, liên tục. Các gia đình khi có nhu cầu xin việc cho con cần tìm hiểu kỹ thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan. Bên cạnh đó, công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định trong tuyển dụng cán bộ, công chức ở mọi cấp, mọi ngành là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, vừa tạo lòng tin đối với nhân dân, vừa hạn chế kẻ xấu lợi dụng.
Ý kiến ()