Cảnh giác chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng
LSO-Từ cuối năm 2016, xuất hiện tình trạng sử dụng công nghệ cao thông qua hệ thống ngân hàng thương mại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Một số người dân Lạng Sơn do thiếu hiểu biết và hám lợi đã tiếp tay cho tội phạm.
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank Lạng Sơn |
Vụ việc đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vào tháng 7/2016, Phòng An ninh kinh tế (PA81), Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng Ma Thiếu Quân và Hoàng Thị Luyến cùng cư trú trên địa bàn huyện Văn Lãng đang rút 350 triệu đồng tại Ngân hàng Techcombank Lạng Sơn được chuyển từ tài khoản của một cá nhân (người bị hại) ở thành phố Hà Nội. Trong đó, Quân là đối tượng thuê Luyến mở tài khoản ở các ngân hàng để rút tiền hộ Quân với tiền công là 600 nghìn đồng/ngày. Các đối tượng khai nhận đã mở tài khoản ở nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV… và đã chuyển nhiều tỷ đồng sang tài khoản của đối tượng ở Trung Quốc thông qua những cá nhân làm dịch vụ đổi tiền ở Tân Thanh, huyện Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.
Để lừa đảo, các đối tượng giả làm nhân viên tổng đài VNPT, gọi vào một số thuê bao cố định thông báo số thuê bao đang nợ cước dịch vụ hàng triệu đồng. Khi chủ thuê bao (bị hại) kiến nghị, chúng sẽ kết nối và yêu cầu nói chuyện với lực lượng chức năng (công an) là đồng bọn giả danh để giải quyết vấn đề. Lúc này, đối tượng mạo danh công an sẽ thông báo là bị hại đang dính líu đến hoạt động tội phạm hoặc hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc giao dịch tiền qua ngân hàng. Tiếp đến, chúng yêu cầu bị hại khai báo toàn bộ số tài khoản ở ngân hàng, sổ tiết kiệm để phục vụ điều tra. Sau khi đã gây hoang mang cho người bị hại, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển một khoản tiền vào một số tài khoản cá nhân đã chuẩn bị trước để xử lý vấn đề một cách êm thấm và số tiền sẽ được rút ngay sau đó.
Chỉ bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo được hàng chục tỷ đồng của người dân ở nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Từ cuối năm 2016 đến nay, Phòng PA81, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với công an các tỉnh, thành phố, Bộ Công an phát hiện 5 vụ lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, xử lý 28 đối tượng tham gia hành vi lừa đảo, trong đó có một đối tượng người Trung Quốc. Đã có 12 người bị lừa với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng (số tiền chuyển qua hệ thống ngân hàng). Lực lượng chức năng đã kịp thời phong tỏa tài khoản, thu hồi cho người bị hại gần 4 tỷ đồng. Trong đó có một vụ đặc biệt nghiêm trọng với số tiền các đối tượng lừa đảo dự định chiếm đoạt là 6 tỷ đồng.
Trung tá Phạm Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng PA81, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tháng 10/2016, khi nhận được thông tin nghi vấn từ Ngân hàng BIDV Lạng Sơn, phòng đã triển khai ngăn chặn hành vi lừa đảo kịp thời, thu hồi được 3 tỷ đồng bị hại chuyển cho các đối tượng lừa đảo. Trong vụ này, các đối tượng đã lừa bà Đặng Thị T, sống tại thành phố Hồ Chí Minh chuyển tiền vào 6 tài khoản cá nhân, mỗi tài khoản 1 tỷ đồng, trong đó có 5 tài khoản của người Lạng Sơn mở tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để làm trung gian chuyển tiền lừa đảo.
Sau khi xác định rõ thủ đoạn và hành vi lừa đảo của các đối tượng, Công an tỉnh Lạng Sơn đã gửi công văn khuyến cáo đến tất cả các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, trong đó có số điện thoại của lực lượng chức năng để khi ngân hàng phát hiện trường hợp bất thường, khả nghi thì thông tin. Đồng thời, các ngân hàng thương mại đã phối hợp cùng lực lượng công an tổ chức tập huấn kỹ năng nhận biết, phát hiện những dấu hiệu bất thường cho cán bộ, công nhân viên.
Bà Trương Thu Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Lạng Sơn cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng cao cảnh giác, rà soát các đối tượng khách hàng, xem xét kiểm tra chặt chẽ khi thực hiện các giao dịch, đặc biệt là của khách hàng cá nhân có giá trị lớn bất thường. Tăng cường kiểm soát, kiểm tra các giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của cá nhân, bao gồm khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt để chuyển hoặc ủy nhiệm chi tài khoản ngoại tệ mở tại các ngân hàng được phép. Đồng thời, chủ động thông tin và phối hợp cùng lực lượng chức năng để xử lý vụ việc khi phát hiện trường hợp khả nghi.
Cũng theo thông tin từ lực lượng chức năng, sau một thời gian “im hơi, lặng tiếng”, đến tháng 7/2017, các đối tượng lại tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo như trên. Với sự cảnh giác, phối hợp của ngân hàng, Công an tỉnh đã phát hiện vụ việc và đang mở rộng điều tra, các đối tượng tiếp tay nhận, chuyển tiền vẫn là người Lạng Sơn. Do vậy, các ngân hàng thương mại tiếp tục đề cao cảnh giác, đồng thời khuyến cáo người dân đừng ham chút lợi ích mà trở thành mắt xích trong đường dây lừa đảo.
YÊN SƠN
Ý kiến ()