Cánh đồng mía mẫu lớn ở Quảng Ngãi
Vùng nguyên liệu mía của tỉnh Quảng Ngãi đã được quy hoạch phát triển khá ổn định. Nhiều diện tích manh mún trước đây nay đã được cải tạo, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn với hàng nghìn ha mía sản xuất thâm canh đạt năng suất, sản lượng cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho bà con nông dân.
Vùng nguyên liệu mía của tỉnh Quảng Ngãi đã được quy hoạch phát triển khá ổn định. Nhiều diện tích manh mún trước đây nay đã được cải tạo, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn với hàng nghìn ha mía sản xuất thâm canh đạt năng suất, sản lượng cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho bà con nông dân.
Thuận lợi áp dụng thâm canh, tăng năng suất mía
Khi trồng mía theo lối quảng canh không mấy hiệu quả, người dân đã thay đổi hình thức sản xuất mới. Ðiều đó được thể nghiệm qua nhiều dự án như: Phát triển HTX mía kết hợp chăn nuôi gia súc, đưa mía lên đồi trồng theo kỹ thuật lồng mức và đặc biệt mô hình “dồn điền, đổi thửa” xây dựng những cánh đồng mẫu lớn với hàng nghìn ha mía sản xuất thâm canh đạt năng suất, sản lượng và chữ đường cao. Tổng Giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi Võ Thành Ðàng cho biết: Năm nay, giá đường trên thị trường trong nước giảm nên lượng đường tiêu thụ chậm, ảnh hưởng đến việc trồng mía của nông dân. Tuy nhiên, công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân đầu tư cải tạo đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để phát triển vùng chuyên canh mía. Hàng nghìn hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, tạo ra những cánh đồng mía mẫu lớn. Có hộ làm chủ cánh đồng mẫu lớn với hàng chục, hàng trăm ha mía. Nhờ đó, vụ mía 2013-2014, toàn tỉnh giữ được vùng nguyên liệu mía hơn 5.200 ha với năng suất bình quân đạt 65 tấn/ha, sản lượng mía gần 300 nghìn tấn, bảo đảm cho Nhà máy đường Phổ Phong (công suất 2.200 tấn mía/ngày) hoạt động ổn định ba ca liên tục…
Những ngày đầu tháng 3, tại Nhà máy đường Phổ Phong, chúng tôi chứng kiến hàng trăm xe chuyên dụng liên tục nối đuôi nhau chở mía của nông dân về bán cho nhà máy. Nhà máy đang bước vào những tháng cao điểm của vụ ép mía năm nay với sản xuất ba ca liên tục. Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy đường Phổ Phong Tạ Công Tường khẳng định: Hiện nay nhiều hộ trồng mía ở Quảng Ngãi đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm mạnh dạn đầu tư xây dựng những cánh đồng mía mẫu với năng suất, sản lượng đạt rất cao.
Tấp nập xe chở mía của nông dân bán cho Nhà máy đường Phổ Phong.
Trưởng nhóm hộ trồng mía ở cánh đồng mẫu lớn Thượng Lâm, xã Ðức Phú, huyện Mộ Ðức Phạm Việt Hùng phấn khởi nói: Trước đây, người dân ở xã chúng tôi làm lúa trên đồng ruộng manh mún, bạc màu cho nên sản xuất không có hiệu quả. Hai năm gần đây, Nhà máy hỗ trợ nông dân dồn điền, đổi thửa, cải tạo lại đất và đầu tư trồng mía thâm canh trên cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập cao. Vụ mía 2013-2014, tại cánh đồng mẫu lớn Thượng Lâm, hàng chục hộ đạt năng suất mía hơn 80 tấn/ha. “Gia đình tôi, vụ này chỉ trồng hơn 4 ha mía bằng giống mới K83-29, ROC 27 và thâm canh, chăm sóc mía theo chu kỳ hướng dẫn kỹ thuật của nhà máy đã cho năng suất hơn 80 tấn/ha và đạt sản lượng hơn 400 tấn mía cây, gia đình đã bán cho nhà máy đường với doanh thu hơn 350 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi 135 triệu đồng…”. Bác Hùng cho biết thêm, nhiều bà con ở đây muốn trồng mía, nhưng do thiếu vốn và đất sản xuất nên đành trồng cây mì (sắn). Hiện nay, trong xã chỉ có 72 hộ nông dân trồng mía.
Trên đồng mía mẫu lớn Cây Da, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tôi gặp nhiều nông dân phấn khởi trong một vụ mía bội thu với năng suất bình quân đạt gần 80 tấn/ha. Ông Lê Bình, ở thôn Bàn Thới, xã Hành Thiện cho biết nhờ nhà máy đường cho mượn vốn trồng mía, cho nên gia đình đã đầu tư mở rộng diện tích vùng mía chuyên canh với gần một mẫu. Vụ này, gia đình thu hoạch hơn 30 tấn mía, trừ chi phí sản xuất còn lãi hơn 25 triệu đồng. Những cánh đồng chuyên canh ở các huyện Ðức Phổ, Tư Nghĩa và Sơn Hà ngút ngàn mầu xanh của mía trên hàng nghìn ha. Có xã đã dồn điền, đổi thửa rất tốt và đầu tư phát triển mạnh cây mía trên đất đồi gò như xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ là một điển hình. Ở đây, đồng bào đã cải tạo vùng đất đồi trồng hơn 371 ha mía thâm canh theo kỹ thuật đường lồng mức với năng suất đạt hơn 75 tấn/ha, tăng gấp 1,5 lần so với trồng mía quảng canh trước đây. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Dinh Trịnh Xin cho biết: Xã chúng tôi xác định cây mía là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hai năm gần đây, xã đã dồn điền, đổi thửa, cải tạo vùng đất đồi gò và chuyển hàng chục ha ruộng lúa một vụ, năng suất thấp sang trồng mía, áp dụng thâm canh, năng suất mía đã đạt hơn 70 tấn/ha. Người trồng mía sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất vẫn có lãi cao với mức lãi 36 triệu đồng/ha.
Chuyển giao kỹ thuật cho nông dân
Có thể thấy, từ kết quả việc dồn điền, đổi thửa tạo ra những cánh đồng mẫu lớn ở những vùng trọng điểm mía, bước đầu đã tạo thuận lợi cho Nhà máy đường Phổ Phong thực hiện đưa cơ giới hóa vào đồng mía. Ðồng thời ứng dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào vùng mía chuyên canh, bảo đảm phát triển ổn định, với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Hiện nay, Nhà máy đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thành công Dự án “Dồn điền, đổi thửa, kết hợp cơ giới hóa và cải tạo nông hóa ruộng mía”. Ðây là mô hình hỗ trợ cho nông dân trồng mía về quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây mía. Từ dự án này, vụ mía năm nay, nhà máy đường đã sử dụng hàng chục chiếc máy cày, máy băm phục vụ quy trình làm đất bốn khâu và thực hiện trồng mía bằng máy có hiệu quả. Tại cánh đồng mẫu lớn xã Ba Dinh, Ba Tô (huyện Ba Tơ) trong những ngày này, chúng tôi bắt gặp hàng chục nông dân đang lái máy cày khẩn trương làm đất chuẩn bị cho vụ trồng mía sắp tới với hàng trăm ha. Ðây là sự chuyển giao kỹ thuật trồng mía bằng cơ giới lần đầu tiên cho đồng bào H're sau gần 3 năm hướng dẫn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng mía trên đất đồi gò theo đường lồng mức. Hiện nay, đồng bào Ba Tơ đã nắm vững kỹ thuật trồng mía bằng cơ giới cho nên nhiều hộ tự đầu tư mua máy cày, máy băm về làm dịch vụ. Ðáng nói mô hình trồng mía trên đất đồi gò theo mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) đang có sức lan tỏa ngày càng lớn đối với nông dân. Bước đầu nhà máy đã chuyển giao kỹ thuật trồng mía thâm canh trên cánh đồng mẫu lớn, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, từng bước làm quen với các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây mía. Theo số liệu của Nhà máy đường Phổ Phong, diện tích đất trồng mía tại các huyện miền núi chiếm tỷ trọng khá lớn trên toàn vùng (khoảng gần 1.600 ha) cho nên việc chuyển giao kỹ thuật trồng mía bằng cơ giới cho bà con là rất cần thiết.
Ðể phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, trở thành vùng sản xuất mía hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đường vàấ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt cho phép mở rộng dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía trên đất gò đồi”. Tại các huyện miền núi từng bước chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và hình thành vùng sản xuất mía chuyên canh bền vững, nâng cao nhận thức trong sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng mía. Trước mắt, tỉnh xây dựng tập trung vùng mía chuyên canh mẫu lớn ở các huyện miền núi. Ðây cũng là tiền đề quan trọng để người dân ở các huyện miền núi có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định cuộc sống lâu dài. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thì khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất mía trên đất gò đồi sẽ mang lại hiệu quả sản xuất cao gấp 3,2 lần so với cây sắn và gấp 5 lần so với cây keo…
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn và chuyển giao kịp thời những tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trồng mía không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao mà quan trọng hơn đã mở ra hướng sản xuất mới bền vững cho ngành mía đường Quảng Ngãi.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()