Cánh đồng mẫu lớn: Từ điểm tới diện
LSO-Tới thời điểm này có thể khẳng định các mô hình triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh trong vụ xuân vừa qua đã thể hiện được ưu thế vượt trội của phương thức sản xuất mới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhưng mô hình điểm, còn việc làm thế nào để nhân rộng thành đại trà lại là bài toán không dễ tìm lời giải.
LSO-Tới thời điểm này có thể khẳng định các mô hình triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh trong vụ xuân vừa qua đã thể hiện được ưu thế vượt trội của phương thức sản xuất mới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhưng mô hình điểm, còn việc làm thế nào để nhân rộng thành đại trà lại là bài toán không dễ tìm lời giải.
![]() |
Nông dân xã Xuân Mai, huyện Văn Quan thu hoạch trên cánh đồng mẫu lớn – Ảnh: VŨ LÊ MINH |
Hiệu quả cánh đồng mẫu lớn
Ba năm trước, gia đình anh Hà Văn Mạo, thôn Khòn Khẻ, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan đã đưa giống lúa lai LS1 vào canh tác theo phương thức gieo thẳng bằng giàn xạ kéo tay trong vụ xuân thay cho giống lúa truyền thống. Hiệu quả năng suất là khá cao, tới xấp xỉ 70 tạ/ha, trong khi giống cũ, bình quân chỉ nhỉnh hơn 50 tạ/ha một chút. Vụ xuân năm nay thì khác hẳn, cũng là giống lúa lai LS1, nhưng cánh đồng thôn Khòn Khẻ được chọn triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn, nên toàn bộ các diện tích xung quanh đều sử dụng cùng loại giống, cùng gieo thẳng bằng giàn kéo trong cùng một thời điểm. Kết quả là năng suất lúa của gia đình anh Mạo đạt tới 82 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn xã. Anh Mạo chia sẻ: sản xuất đồng loạt thế này chăm sóc dễ hơn hẳn, sâu bệnh cũng ít hơn, đây là chưa làm được hết theo quy trình, nếu không năng suất còn có thể cao hơn nữa. Vụ xuân năm nay, Khuyến nông Văn Quan triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô 5ha tại cánh đồng Bản Dạ và Khòn Khẻ xã Xuân Mai, kết quả năng suất đều đạt trên 80 tạ/ha. Không chỉ riêng ở Văn Quan, mà tất cả các mô hình cánh đồng mẫu lớn do Trung tâm khuyến nông triển khai ở tất cả địa phương trong tỉnh đều đạt được kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: đến nay các địa phương đều đã tổ chức hội nghị đầu bờ để đánh giá, các mô hình đều đạt từ 70 – 80 tạ/ha, rất cao so với năng suất bình quân của toàn tỉnh.
Nhân rộng: Cần giải pháp đồng bộ
Thế nhưng đây chỉ là những mô hình điểm, diện tích chỉ trên 50 ha so với trên 14.000 ha canh tác lúa xuân của toàn tỉnh. Mặc dù hiệu quả đã được chứng minh, nhưng để nhân rộng các mô hình này thành đại trà không phải là chuyện đơn giản. Như ở xã Xuân Mai, diện tích của mô hình chỉ là 5 ha, nhưng do đất đai manh mún, nên phải huy động tới 45 hộ gia đình tham gia. Đây là một điều khó, trong quá trình kiểm tra, giám sát triển khai mô hình tại địa phương này, các cán bộ chuyên môn cho biết: mặc dù triển khai gieo cấy, giống đã đồng loạt, nhưng các biện pháp chăm sóc thì rất khó trong cùng một thời điểm, chủ yếu vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, thậm chí phun thuốc bảo vệ thực vật cũng chưa thể triển khai đồng loạt. Không riêng gì ở Xuân Mai, mà đây là đặc điểm chung của nhiều nơi khác. Trong tổng số mô hình thí điểm 55 ha của Trung tâm khuyến nông thì có tới 440 hộ gia đình tham gia. Nếu chia ra, thực chất mỗi hộ chỉ có vài sào. Đất đai manh mún là một trong những trở lực lớn nhất để nhân rộng quy mô của mô hình. Tuy nhiên không phải là không thực hiện được, Ông Vi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai khẳng định: sang vụ tới, Ban chỉ đạo sản xuất của xã, thôn sẽ tăng cường tuyên truyền vận động cho bà con nhân dân sản xuất theo phương thức đồng loạt. Muốn làm được điều này, trước tiên các Ban chỉ đạo sản xuất phải tự nâng cao tinh thần trách nhiệm và trình độ tổ chức sản xuất. Có người dân “hiến kế”: cứ theo lịch khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, khi nào đến thời điểm gieo trồng, chăm sóc… Ban chỉ đạo sản xuất thông báo, hoặc gõ kẻng để bà con đồng loạt ra đồng, như thời kỳ hợp tác xã ấy, vậy là đồng loạt được ngay.
![]() |
Nhiều diện tích trồng lúa ở xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình đã được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng cây củ đậu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn – Ảnh: THẾ BẢO |
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở sẽ tham mưu và xin ý kiến của UBND tỉnh, nếu được thì trong thời gian tới sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá bước đầu triển khai cánh đồng mẫu lớn trong phạm vi toàn tỉnh, từ đó các cấp, ngành hữu trách và cả nhà nông sẽ cùng phân tích và đưa ra các giải pháp để nhân rộng mô hình này. Khó có thể so sánh với các tỉnh đồng bằng, hay vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long khi mà cánh đồng mẫu lớn của họ tập trung lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ha. Nhưng hiệu quả của các mô hình thí điểm đã chứng minh Lạng Sơn cũng có thể làm cánh đồng mẫu lớn. Vấn đề là cần có những giải pháp đồng bộ từ việc nâng cao ý thức người sản xuất đến tổ chức sản xuất, chọn loại giống đưa vào….và xa hơn là liên kết tìm thị trường tiêu thụ. Ví như cánh đồng thuốc lá Bắc Sơn hay thạch đen Tràng Định cũng đã xứng đáng được gọi là mẫu lớn.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()