Cánh đồng mẫu lớn: Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn
LSO-Sau một năm triển khai, mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hình thành rõ nét hơn. Trước thành công của mô hình, một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đây chính là động lực và cũng là mục tiêu để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn.
LSO-Sau một năm triển khai, mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu hình thành rõ nét hơn. Trước thành công của mô hình, một số doanh nghiệp đã đặt vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đây chính là động lực và cũng là mục tiêu để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn huyện Đình Lập |
Thực chất việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã được các tỉnh vùng đồng bằng triển khai cách đây khoảng 3 năm. Đối với Lạng Sơn, chủ trương thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn mới chỉ đặt ra từ tổng kết sản xuất đông xuân năm trước. Lúc bấy giờ có không ít ý kiến cho rằng việc triển khai cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh là bất khả thi, do điều kiện đất đai manh mún và tư duy sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó ở khu vực miền núi, các địa phương có đặc điểm khá tương đồng với Lạng Sơn chưa có mô hình nào để học tập, còn nếu so với các tỉnh đồng bằng thì quá xa vời, bởi cánh đồng mẫu lớn của các vùng ấy ít nhất cũng từ 20ha trở lên.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng chủ trương chỉ đạo của tỉnh là phù hợp, bởi chỉ có sản xuất đồng loạt, hành động tập thể, mới có thể hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh. Thực chất trong thời điểm đó, một số địa phương cũng khá chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chọn địa điểm triển khai thí điểm, nhưng số ấy rất ít, và hầu hết chưa cụ thể về quy mô, lúng túng trong cách làm. Trước thực trạng này, ngành NN&PTNT đã giao việc triển khai thực hiện cho Trung tâm khuyến nông, trước tiên là thí điểm đối với cây lúa, sử dụng đồng loạt biện pháp gieo thẳng bằng giàn sạ với cùng chủng loại giống và tiến hành cùng một thời điểm. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông cho biết: thực hiện chỉ đạo của tỉnh và của ngành, ngay trong vụ xuân 2012-2013, Trung tâm đã yêu cầu mỗi khuyến nông viên cơ sở phải triển khai một mô hình và vận động nhân dân làm theo, mặt khác Trung tâm triển khai 10 mô hình ở các huyện, thành phố trong tỉnh với quy mô 5 ha/mô hình. Yêu cầu đặt ra là năng suất của các mô hình phải cao hơn từ 10-15% so với sản xuất thông thường. Kết quả đã vượt quá cả mong đợi với năng suất bình quân đạt tới 76,5 tạ/ha, hạch toán kinh tế cho thấy thu nhập bình quân cao hơn tới 9,7 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Anh Hà Văn Mạo ở thôn Khòn Khẻ, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan chia sẻ: triển khai thực hiện mô hình, mình đã nhận rõ được sự khác biệt khi sản xuất đồng loạt, hiệu quả hơn hẳn so với kiểu mạnh ai nấy làm. Trong hội nghị tổng kết mô hình cánh đồng mẫu lớn vừa qua, lãnh đạo Công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình chia sẻ: tôi đã đi thăm rất nhiều cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương, nhưng thực sự rất ấn tượng với thành công của cánh đồng mẫu lớn ở Lạng Sơn, sự vận dụng sáng tạo, quy định quy mô từ 3-5ha là rất phù hợp với thực tiễn miền núi và cách làm này không chỉ cần được nhân rộng trong tỉnh mà có thể đúc kết kinh nghiệm cho các tỉnh trong khu vực.
Lãnh đạo công ty này cũng khẳng định khả năng hợp tác trong vụ xuân sắp tới với một số địa phương trên địa bàn tỉnh theo hình thức cung ứng vật tư tạo nên vùng sản xuất tập trung và tiến hành bao tiêu sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để Lạng Sơn có thể nhân rộng và nâng cao hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn. Thực chất, ngay từ đầu, theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh, với đặc thù của Lạng Sơn, thì việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn không chỉ đối với cây lúa mà còn đối với các loại cây trồng khác như cây màu và cây thực phẩm. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông khẳng định: trong sản xuất đông xuân sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các cánh đồng mẫu lớn, gắn với liên kết 4 nhà. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất thì rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ việc hoạch định cơ chế chính sách cho đến mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()