Cánh cửa “Schengen” hé mở
Khu vực tự do đi lại ở châu Âu (Schengen) có thể mở rộng vào năm tới sau khi Ủy ban châu Âu (EC) mới đây “bật đèn xanh” kêu gọi kết nạp Bulgaria, Croatia và Romania trở thành thành viên của khu vực này.
Trong cuộc họp ngày 16-11 vừa qua, EC đã yêu cầu Hội đồng châu Âu đưa ra những quyết định cần thiết để tiếp nhận 3 nước Đông Âu là Croatia, Bulgaria và Romania vào khu vực Schengen. Bulgaria và Romania đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007, trong khi Croatia trở thành thành viên EU năm 2013.
Bà Ylva Johansson, Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ, nhấn mạnh 3 nước trên đã sẵn sàng gia nhập khu vực Schengen và Hội đồng châu Âu cần nhanh chóng trao cho họ quyền đi lại tự do trong Schengen. Theo bà Ylva, Bulgaria và Romania đã hoàn tất quá trình đánh giá gia nhập Schengen vào năm 2011 nhưng Hội đồng châu Âu vẫn trì hoãn quyết định tiếp nhận trong hơn 11 năm qua. Trong khi đó, Croatia được Hội đồng châu Âu công nhận là đáp ứng đủ các điều kiện để gia nhập khu vực Schengen vào tháng 12-2021.
Ký hiệu trên mặt đất biểu thị việc vào khu vực tự do đi lại Schengen tại sân bay Ciampino ở Rome (Italy). Ảnh: francetvinfo.fr |
Yêu cầu trên của EC được đưa ra 3 tuần trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ EU dự kiến tổ chức vào ngày 8-12 tới. Tại hội nghị này, chính phủ các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ bỏ phiếu quyết định có mở rộng khu vực Schengen từ tháng 1-2023 hay không.
Schengen là một trong những nền móng của dự án biến châu Âu thành một khối, nêu cao quyền tự do đi lại. Bộ khung cho hoạt động di chuyển xuyên biên giới được thiết lập vào năm 1985, khi một số quốc gia châu Âu ký thỏa thuận tại làng Schengen ở Luxembourg.
Hiện nay, Schengen tập hợp 26 quốc gia đại diện cho 420 triệu dân, bao gồm 22 quốc gia thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU, gồm: Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein. 5 quốc gia thành viên EU không thuộc khu vực Schengen là Ireland, Croatia, Romania, Bulgaria và Cyprus.
Theo quy định, người tới từ các quốc gia không nằm trong EU cũng được tự do đi lại giữa biên giới các nước thuộc khu vực Schengen mà không cần phải kiểm tra hộ chiếu. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát từng nước vẫn có quyền kiểm tra du khách, nhưng không phải mục đích kiểm soát biên giới.
Việc EC “bật đèn xanh” cho Romania, Bulgaria và Croatia gia nhập khu vực Schengen diễn ra trong bối cảnh vấn đề di cư đang quay trở lại bàn nghị sự của các cuộc họp ở châu Âu, trong khi Áo và Cộng hòa Séc bắt đầu khởi động lại các biện pháp kiểm soát biên giới.
Theo báo Le Monde, sau hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, dòng người tị nạn vào EU bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 thông qua một số tuyến đường. Trong đó, tuyến đường Địa Trung Hải đã khiến quan hệ giữa Pháp và Italy leo thang căng thẳng do mâu thuẫn về việc tiếp nhận người di cư được tàu Ocean Viking của tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải cứu sống.
Trên tuyến đường Tây Balkan, nhiều quốc gia, dẫn đầu là Áo và Hungary đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ để hạn chế việc di chuyển của dòng người di cư.
Bà Ylva nói với phóng viên AFP: “Tuyến đường Tây Balkan là ưu tiên hàng đầu của EC trong những tuần gần đây. Chúng tôi đã phối hợp với các nước đối tác tiến hành chiến dịch chống người di cư bất hợp pháp, hỗ trợ Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), khởi xướng liên kết chính sách thị thực giữa châu Âu và Serbia”. Trong nhiều tháng qua, Serbia là cửa ngõ vào châu Âu của người châu Á nhờ chế độ nhập cảnh miễn thị thực.
Trở lại việc gia nhập Schengen của Bulgaria, Croatia và Romania. Theo báo Le Monde, để gia nhập khu vực Schengen, 3 nước này phải nhận được sự đồng ý của 27 quốc gia thành viên EU. Hiện Bulgaria, Croatia và Romania đang nhận được sự ủng hộ của đa số quốc gia thành viên EU.
Những nước ủng hộ cho rằng, mở rộng Schengen sẽ giúp châu Âu an toàn hơn thông qua việc tăng cường bảo vệ các biên giới chung bên ngoài, hợp tác cảnh sát hiệu quả, thịnh vượng hơn, loại bỏ thời gian lãng phí ở biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Trong khi ước mơ trở thành thành viên khu vực Schengen của Croatia sắp thành hiện thực thì với Bulgaria và Romania còn chưa chắc chắn do hai nước này vấp phải sự phản đối của Thụy Điển và Hà Lan. Năm 2011, với sự ủng hộ của Đức và Pháp, Hà Lan-thành viên sáng lập của EU-đã ngăn cản thành công việc gia nhập Schengen của Romania và Bulgaria.
11 năm sau, Hà Lan vẫn không thay đổi ý định. Ngày 19-10 vừa qua, Quốc hội Hà Lan thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte “bảo đảm điều tra kỹ hơn kiểm soát biên giới của Romania và Bulgaria”. Trên cơ sở này, Hà Lan sẽ xem xét nghiêm túc và công bằng hoạt động luật pháp, cam kết chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức của Romania và Bulgaria.
Trước những cản trở trên, trong một tuyên bố tại Hội đồng châu Âu diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 21-10 vừa qua, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev vẫn tự tin nói: “Điều quan trọng nhất là những quốc gia khác đều ủng hộ Bulgaria”. Ông Rumen Radev còn cho rằng, thời điểm hiện tại hoàn toàn khác với 11 năm trước. Hiện nay, Bulgaria đã có sự ủng hộ của Đức, Pháp và “Hà Lan đang đơn độc”. Bất luận thế nào, câu trả lời dành cho Romania và Bulgaria vẫn chỉ có sau hội nghị ngày 8-12 tới.
Ý kiến ()