Cánh cửa nào cho Trung Quốc vào CPTPP?
Triển vọng Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dù chưa chắc chắn nhưng không phải không thể xảy ra sau một loạt động thái gần đây chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng quan tâm tới thỏa thuận thương mại đa phương quy mô lớn hàng đầu thế giới này…
Bloomberg dẫn một số nguồn tin từ quan chức 4 nước thành viên CPTPP cho biết, các quan chức Australia, Malaysia, New Zealand và có thể một số nước khác đã có các cuộc thảo luận về mặt kỹ thuật với người đồng cấp Trung Quốc về chi tiết của hiệp định này. Các cuộc tiếp xúc không chính thức này đã cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện các bước đi nghiêm túc để tham gia CPTPP.
Hồi tháng 2-2021, Trung Quốc từng cho biết đã có các cuộc thảo luận không chính thức với một số thành viên CPTPP, tuy nhiên không tiết lộ chi tiết. Sau một thời gian dài tỏ ra không mấy mặn mà với hiệp định, bắt đầu từ năm 2020, thái độ của Bắc Kinh đã thay đổi sau khi cho biết đang xem xét tham gia CPTPP, nhất là sau những phát biểu công khai của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về ý định này. Trước đó, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, các cuộc đàm phán được tổ chức để hiểu rõ hơn các chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận. Bắc Kinh cũng đang xem xét liệu việc tham gia CPTPP có thích ứng với triển vọng thị trường trong nước hay không.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC trực tuyến 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc tham gia CPTPP. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam buổi sáng |
Tuy nhiên có thể thấy con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc sẽ không dễ dàng. Nhiều nước thành viên CPTPP mặc dù đang phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, nhưng để trở thành đối tác của Bắc Kinh trong khuôn khổ thỏa thuận đa phương này thì có vẻ họ chưa sẵn sàng. Chưa kể một số nước thành viên đang có bất đồng thương mại với Trung Quốc nên khó có thể chấp nhận để nước này gia nhập hiệp định. Chẳng hạn với Australia, Bắc Kinh đang có những xích mích sau khi Trung Quốc cấm một số mặt hàng nhập khẩu từ Australia gồm rượu vang, lúa mạch, thịt bò, than đá. Với Canada, sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, quan hệ đôi bên cũng chưa bình thường trở lại.
Ngoài ra, việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc còn vướng nhiều rào cản khác như những lo ngại về vấn đề sử dụng lao động tại nước này, doanh nghiệp nhà nước và sự đối đầu kinh tế với Mỹ. Đáng chú ý là trong số 11 nước thành viên CPTPP hiện nay có các đồng minh của Mỹ như Australia, Canada, Nhật Bản nên con đường gia nhập hiệp định của Bắc Kinh sẽ càng khó khăn hơn. Để Trung Quốc trở thành thành viên của hiệp định này cần có sự đồng thuận của cả 11 nước thành viên.
Khả năng nữa cũng được tính tới đó là nếu Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn trở lại CPTPP, việc Trung Quốc tham gia hiệp định càng trở nên không rõ ràng. Cũng không loại trừ khả năng này bởi ông Joe Biden đã bãi bỏ nhiều sắc lệnh của người tiền nhiệm Donald Trump và chính quyền Washington đương nhiệm đang cho thấy theo đuổi xu hướng hội nhập vào các cơ chế tài chính và thương mại quốc tế.
Một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay là xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ có thể sẽ không ngồi yên để Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận thương mại quy mô lớn này và nắm vai trò cầm trịch. Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định và củng cố hơn nữa vị thế trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực. Còn nhớ tiền thân của CPTPP là TPP đã được chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama coi như một khối kinh tế quan trọng nhằm cân bằng sức mạnh ngày một gia tăng của Trung Quốc. Ông Barack Obama năm 2016 cũng từng tuyên bố rằng, Mỹ chứ không phải Trung Quốc nên viết lại quy tắc thương mại khu vực. Tuy nhiên, sau đó chính quyền kế nhiệm do ông Donald Trump lãnh đạo đã rút khỏi hiệp định vào năm 2017.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh còn lâu mới có thể chính thức nộp hồ sơ gia nhập CPTPP, bởi chính phủ các nước thành viên đang cân nhắc nhiều điều kiện. Trong đó bao gồm các quy định liên quan đến lao động, thu mua hàng hóa, doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, thương mại điện tử và chuyển dữ liệu liên biên giới mà Trung Quốc khó có thể đáp ứng. Hiện các cơ quan bộ, ngành thuộc Chính phủ Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu và giới học giả đang phân tích rất kỹ những điều kiện của CPTPP và cả quan điểm của chính phủ các nước thành viên trong khối.
Một trong những trở ngại nữa đó là Nhật Bản, nước có nền kinh tế quy mô lớn nhất trong nhóm các nước thuộc CPTPP và là chủ tịch của hiệp định năm nay, có vẻ không mấy hào hứng với việc Trung Quốc gia nhập hiệp định. Một số quan chức Nhật Bản giấu tên cho biết, trước khi nước này cân nhắc đến việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, Nhật Bản tin rằng các cuộc đối thoại cần được thực hiện dựa trên nền tảng thỏa thuận thương mại tự do ba bên với Hàn Quốc và Trung Quốc được xây dựng dựa vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong những năm gần đây, các cuộc đàm phán về thỏa thuận này không mấy tiến triển do bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật Bản cũng muốn xem cách Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình ra sao trong khuôn khổ RCEP trước khi xem xét bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào với Bắc Kinh. Nếu muốn gia nhập CPTPP, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ cần phải có những bước đi nhượng bộ nhiều hơn.
Ý kiến ()