Cảnh báo việc gây tai nạn giao thông nghiêm trọng rồi bỏ trốn
(LSO) – Gặp người bị tai nạn giao thông nhưng không cứu giúp hoặc gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường là những hành vi đáng lên án. Đây là cách hành xử không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử trong văn hóa giao thông mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông rồi bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường khiến dư luận bất bình.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông tại km 5 600 trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Cao Lộc
Điển hình gần đây nhất như vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3 giờ 12 phút ngày 25/6 tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn, quận Tân Phú (thành phố Hồ Chí Minh) giữa xe taxi của hãng Vinasun và 1 xe máy có 2 người ngồi trên. Sau khi va chạm với xe taxi, xe máy lao vào góc tường của một nhà dân, 2 người trên xe máy đều văng khỏi xe, ngã xuống vỉa hè. Đáng nói là trước đó tài xế lái taxi sau khi bước xuống xe quan sát nạn nhân lập tức rời khỏi hiện trường bỏ mặc người bị nạn, hậu quả làm 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã xảy ra không ít vụ việc tương tự. Điển hình như hồi 0 giờ 30 phút ngày 3/1/2019, tại Km 74 600, thuộc địa phận thôn Làng Giãn, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng xảy ra vụ tai nạn giao thông. Hậu quả làm ông Lê Văn Ng. (sinh năm 1974), trú tại thôn Đá Bia, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng tử vong. Theo cơ quan chức năng ghi nhận tại hiện trường, phương tiện gây tai nạn đi hướng Lạng Sơn – Hà Nội và đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra do phương tiện gây tai nạn đã bỏ chạy. Có thể thấy rằng, đây không chỉ là hành vi coi thường pháp luật mà còn cho thấy sự xuống cấp đạo đức ở một số tài xế khi tham gia giao thông.
Nói về tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Tiến Thắng, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh nhận định: Hiện nay, một bộ phận người dân đang thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi xảy ra va chạm trên đường. Chỉ vì sự thiếu bình tĩnh, không làm chủ được hành vi và đặc biệt là tình trạng không chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đã dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc. Người thì bị thương, thậm chí mất mạng; người thì phải đối mặt với hình phạt của pháp luật. Tại Lạng Sơn, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 3 vụ tai nạn giao thông mà người gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường, trong đó có 1 vụ điều tra xong và 2 vụ đang trong quá trình điều tra.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền; không cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng. Mức phạt với hành vi này đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác, mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng… Ngoài các mức phạt hành chính, người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể là người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt tù từ 3 – 10 năm.
Ông Đỗ Tiến Đạt, lái xe khách tuyến Hà Nội – Lạng Sơn cho biết: Trong trường hợp mà chúng ta thấy vụ tai nạn giao thông, bất luận là hành vi đó do con người, do chủ quan hay do khách quan thì chúng ta cũng phải cứu người bị nạn. Còn nếu chúng ta thấy mà bỏ qua hoặc mặc kệ thì tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải nên xem lại lương tâm, đạo đức của mình trong cuộc sống hằng ngày khi tham gia giao thông.
Có thể thấy rằng, nhiều cái chết đau lòng của các nạn nhân bị tai nạn giao thông đã từng xảy ra vì không được cứu chữa kịp thời do người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu giúp người bị nạn. Để những vụ việc tương tự không xảy ra, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến người dân, người tham gia giao thông; đồng thời cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()