Cảnh báo về những án mạng nguyên nhân do rượu
Bị cáo Dương Công Trà trước vành móng ngựa |
Vừa là chiến hữu trên bàn nhậu, nhưng ngay sau đó, Thư đã dùng dao giết chết Huy do uống rượu say. Câu chuyện đau lòng xảy ra vào chiều ngày 15/10/2013, Nông Văn Thư, sinh năm 1987 trú tại thôn Pàn Dào, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định cùng uống rượu, bia với người hàng xóm là Nông Văn Huy, sinh năm 1979. Sau khi uống rượu say lời ra, tiếng vào dẫn đến mâu thuẫn, không kiềm chế được bản thân, Thư đã dùng dao đâm chết Huy. Đây chỉ là một trong những vụ án giết người nguyên nhân hoàn toàn do uống rượu say không làm chủ được bản thân xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bởi trước khi xảy ra án mạng, họ là những người hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, không hề có mâu thuẫn, khúc mắc từ trước. Họ là những người lương thiện, chưa hề có tiền án, tiền sự. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra từ 1- 2 vụ giết người nguyên nhân hoàn toàn do uống rượu say, không làm chủ được bản thân. Điển hình như: ngày 31/8/2012, Dương Công Trà được Dương Hữu Quốc thôn Táp Già, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn nhờ đến nhà khiêng máy bơm đi bơm nước ruộng. Khi đang bơm nước thì Dương Tiến Nội là người cùng thôn Táp Già mời Trà và Quốc đến nhà chơi. Nội lấy rượu ra cùng uống. Khi vợ Nội dọn cơm thì Quốc đi về, còn Trà ở lại ăn cơm, uống rượu với gia đình. Khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, Nội rủ Trà đến nhà Quốc chơi. Khi đến nhà Quốc đang ăn cơm, Trà và Nội ngồi vào ăn, uống rượu cùng.
Sau khi ăn cơm xong, Trà rót nước cho mình, không rót nước cho Nội. Khi Trà cầm chén nước lên thì bị Nội đánh nhiều nhát vào mặt. Lời qua tiếng lại, Trà về nhà lấy dao thái rau lợn chém Nội liên tiếp dẫn đến tử vong. Do uống rượu, bia quá đà mà người thì mất mạng, người thì phải nhận bản án thích đáng của pháp luật. (Dương Công Trà lĩnh 10 năm tù giam- Tòa án nhân dân tỉnh xét xử năm 2013; Nông Văn Thư lĩnh mức án 13 năm tù giam – Tòa án nhân dân tỉnh xét xử ngày 26/3/2014 vừa qua). Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là rượu, bia không chỉ đưa đường, dẫn lối cho người trong cuộc tước đi mạng sống của người khác mà đằng sau những vụ án mạng là nỗi đau, mất mát tột cùng cho người thân trong gia đình.
Đối với vụ án Dương Công Trà thì bị hại là lao động chính trong gia đình, vừa nuôi bố mẹ già, vừa nuôi 2 con nhỏ. Chính vì vậy, cái chết của bị hại không chỉ làm tổn hại to lớn về mặt tinh thần mà những ngày tháng sau này họ chưa biết phải làm như thế nào để duy trì cuộc sống và chăm lo cho con, cháu ăn học. Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên khi án mạng xảy ra, tại phiên tòa, gia đình bị hại trong vụ án Dương Công Trà khăng khăng đòi “giết người thì phải đền mạng”. Còn trong vụ án Nông Văn Thư, gia đình bị hại đòi đưa bị cáo về để gia đình “tự xử”. Ngay sau khi án mạng xảy ra, từ chỗ 2 gia đình trước đây rất thân thiết, còn giờ đây, mặc dù ngày ngày vẫn nhìn thấy nhau nhưng họ đã coi nhau như kẻ thù, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra mẫu thuẫn, xô xát. Và nỗi đau từ vụ án này không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai đối với cả 2 gia đình.
Điều đáng quan tâm là thực trạng uống rượu, bia không làm chủ được bản thân đang có chiều hướng gia tăng và “ma men” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ án đau lòng. Ngoài những án mạng có nguyên nhân do rượu, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh còn xảy ra gần 100 vụ cố ý gây thương tích có nguyên sâu xa xuất phát từ mâu thuẫn trong các cuộc nhậu, men rượu, bia gây mất tự chủ. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Lộc Bình, từ năm 2013 đến nay, trong tổng số gần 100 vụ án hình sự thì có đến gần 30% số vụ là cố ý gây thương tích mà nguyên nhân trực tiếp là do uống rượu, bia không làm chủ được bản thân. Trở lại vụ án của Nông Văn Thư, trong buổi chiều hôm xảy ra án mạng, Thư đã cùng Huy góp tiền 3 lần đi mua rượu, bia về uống liên tiếp dẫn đến say. Còn đối với vụ án Dương Công Trà thì án mạng đã xảy ra sau 2 cuộc nhậu liên tiếp.
Khi đã có men rượu trong người rất dễ dẫn đến không làm chủ được hành vi, cộng với mâu thuẫn nhất thời bộc phát trong cuộc nhậu là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án mạng và cố ý gây thương tích. Điều đáng lo ngại là hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, từ thành phố đến nông thôn, các vùng sâu xa, hẻo lánh, tình trạng người dân lạm dụng rượu bia ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự như: giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông… Trước thực tế trên, để phòng ngừa có hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, Bộ Luật Hình sự nói riêng, cùng với những chế tài nghiêm khắc của pháp luật thì bản thân mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, hạn chế sử dụng rượu, bia và kiềm chế bản thân, không nên cổ vũ, ép uống rượu, tránh để xảy ra những vụ việc đau lòng như trên.
Ý kiến ()