Cảnh báo về môi giới lao động thời vụ tại Hàn Quốc
Đại sứ quán Hàn Quốc chính thức thông báo, ngoài chính quyền địa phương, không có bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào có quyền can thiệp hoặc môi giới đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc.
Ngoài chính quyền địa phương, không có bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào có quyền can thiệp hoặc môi giới đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc. |
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa cho biết, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam vừa cảnh báo về chương trình phái cử lao động thời vụ để tránh những thiệt hại có thể phát sinh.
Theo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, liên tiếp có tin báo gửi đến Đại sứ quán Hàn Quốc về việc một tổ chức với tên gọi Hiệp hội giao lưu văn hóa kinh tế thế giới (ECI) đã mạo danh là đoàn thể có quyền hạn đối với công tác phái cử lao động thời vụ, đưa ra những nội dung sai sự thật, tiếp xúc với doanh nghiệp tư nhân trong nước, chính phủ ngoài nước, chính quyền địa phương, đại sứ quán và doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để môi giới lao động thời vụ.
Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ quán Hàn Quốc chính thức thông báo ngoài chính quyền địa phương, không có bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào có quyền can thiệp hoặc môi giới, do đó các công dân Việt Nam cần đặc biệt chú ý để không phải chịu thiệt hại đáng tiếc nào xảy ra.
Chương trình phái cử lao động thời vụ dành cho người nước ngoài là chương trình mời và tuyển chọn người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông ngư nghiệp sang làm việc tại các nông/ngư gia trong thời gian khoảng 90 ngày (visa C-4) hoặc 5 tháng (visa E- 8).
Đây là chương trình mà lao động thời vụ nếu làm việc trung thành có thể được mời và phái cử sang Hàn Quốc liên tục hàng năm.
Theo chương trình này, chính quyền địa phương của Hàn Quốc trực tiếp trao đổi với chính quyền địa phương nước ngoài và ký kết bản ghi nhớ về phái cử lao động thời vụ, sau đó tuyển chọn người nước ngoài của địa phương bên nước ngoài làm lao động để tham gia vào các hoạt động thời vụ ở địa phương bên Hàn Quốc.
Tất cả các thủ tục như ký kết bản ghi nhớ, tuyển chọn lao động thời vụ được thực hiện trực tiếp bởi chính quyền địa phương của hai nước, hướng đến tính minh bạch và công bằng. Tuyệt đối nghiêm cấm sự can thiệp hoặc môi giới của cá nhân hay tổ chức bên ngoài, do đó có thể cắt giảm các chi phí không cần thiết, phòng chống việc bỏ trốn và đảm bảo tối đa lợi ích kinh tế cho người lao động.
Ngoài chính quyền địa phương, mọi cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi chiêu mộ, tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ, không được ủy quyền, do đó, không thể nhận bất cứ khoản lệ phí nào. Nếu vi phạm nội dung này, chính quyền địa phương hoặc người nước ngoài sẽ không thể tham gia vào chương trình phái cử lao động thời vụ tiếp theo.
Đại sứ quán Hàn Quốc thông báo mọi thắc mắc có thể liên hệ Đại sứ quán để được tích cực hỗ trợ. Các chính quyền địa phương có quan tâm đến chương trình phái cử lao động thời vụ và ký kết bản ghi nhớ với chính quyền địa phương bên Hàn Quốc hãy gửi thông tin tên địa phương, cán bộ phụ trách, số liên lạc, địa chỉ email, thông tin khái quát về địa phương (đính kèm công văn bằng tiếng Anh) theo địa chỉ email chính thức ([email protected]) của Cơ quan quản lý chính sách nhập cảnh và người nước ngoài Hàn Quốc (KIS).
Sau 2 năm triển khai thí điểm chương trình lao động thời vụ tại Hàn quốc (2018-2019), một số địa phương như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Bình Thuận, Hà Tĩnh đã đưa được khoảng gần 1.000 lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Sau 3 tháng, người lao động kết thúc hợp đồng trở về với khoản thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng.
Đây là chương trình tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt người lao động nghèo, lao động lớn tuổi và làm nông nghiệp có cơ hội đi làm việc, nâng cao thu nhập; một số địa phương có chính sách hỗ trợ cho người lao động vay vốn để trang trải chi phí xuất cảnh.
Ý kiến ()