Cảnh báo từ những điểm rút tiền ATM
Người đến giao dịch tại các điểm ATM được bảo vệ bởi hệ thống trang thiết bị và lực lượng chức năng |
Bà N.T.H (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ đến câu chuyện ngày hôm đó. Sắp hoàn thiện ngôi nhà mới, bà H. đi đến điểm đặt máy ATM ở đường Phan Đình Phùng (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) rút thêm 13 triệu đồng để trả tiền công thợ. Cầm tiền từ máy, bước ra khỏi cửa cabin, một người đàn ông tiến về phía bà hỏi han. Chớp mắt, không thấy người đàn ông kia đâu nữa còn tiền trên tay bà thì biến mất. Thấy bà hốt hoảng, những người bán hàng gần đó chạy lại hỏi thăm. Họ bảo: “Thấy 2 người nói chuyện rồi bà đưa tiền cho ông ta. Chúng tôi cứ tưởng là người quen”. Và đến giờ, bà H. cũng không nhớ là mình đã nói chuyện gì và tại sao lại đưa tiền cho người đàn ông lạ mặt đó.
Còn chị C.K.T. (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) nhờ nhanh trí nên đã thoát được khỏi vòng vây của 2 người đàn ông lạ mặt “đội mũ lưỡi trai sùm sụp”. Hôm đó, chị đến rút tiền tại máy ATM gần nhà. Sau 10 giây thao tác, chị thấy phía sau mình có một người đàn ông đẩy cửa vào, hỏi “Có rút được tiền không em?”. Linh cảm thấy điều không hay, chị bấm ngay vào nút hủy bỏ giao dịch và lấy thẻ quay ra. Người đàn ông kia vẫn kéo tay chị lại hỏi “Không rút được tiền à?”. “Không, em chỉ kiểm tra thẻ thôi” – nói rồi, chị vội vàng đi ra ngoài. Ở phía bên ngoài, chị quan sát thấy một người đàn ông nữa cũng đội mũ lưỡi trai che kín nửa mặt, ngồi ghế sau của một chiếc taxi cũ, trông bộ dạng rất khả nghi. Phóng xe ra khỏi chỗ đó, chị T. thở phào nhẹ nhõm.
Được biết, các máy rút tiền thường đặt ở cổng các ngân hàng, cổng các cơ quan, đơn vị hoặc những nơi trung tâm, đông dân cư để tiện cho người dân giao dịch. Và không ít kẻ đã lợi dụng sự đông đúc đó để trà trộn, chiếm đoạt tiền của người vừa thực hiện giao dịch. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các ngân hàng đều cài đặt camera để ghi lại hình ảnh tại cabin đặt máy để giám sát 24/24 giờ và lưu lại tất cả các hình ảnh ở hệ thống máy chủ để kịp thời xử lý khi có khiếu nại của khách hàng. Đặc biệt, ở các địa điểm đặt máy, các ngân hàng còn hợp đồng bảo vệ với các cơ quan, đơn vị gần đó để đảm bảo an toàn cho người đến giao dịch.
Theo quan sát của phóng viên, ở các máy rút tiền đều có dán số điện thoại đường dây nóng của các ngân hàng để khách hàng có thể thông tin ngay khi có sự cố xảy ra trong quá trình sử dụng thẻ. Mặt khác, các điểm đặt máy ATM của các ngân hàng chính là một trong những mục tiêu bảo vệ của lực lượng công an địa phương. Qua đó cho thấy, hệ thống ngân hàng và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự địa phương đã triển khai công tác bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người sử dụng thẻ ATM. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những trường hợp hi hữu xảy ra. Và nạn nhân của những trường hợp này chỉ im lặng, hoặc “kể cho nhau nghe” chứ chưa có động tác thông tin lại cho các cơ quan chức năng.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Hoàng Đức Tú, Phó Trưởng Công an thành phố Lạng Sơn cho biết, trong năm qua, Công an thành phố thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ đoạn của các loại tội phạm mới trong đó có tội phạm lừa đảo tại các điểm rút tiền. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền đến người dân. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một thông tin phản ánh nào từ phía người dân nên quá trình điều tra hết sức khó khăn. Theo nhận định ban đầu, loại tội phạm này là các đối tượng lưu động, hoạt động xong trốn ra khỏi địa bàn, rất khó quản lý. Do đó, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi đi rút tiền từ các điểm đặt máy ATM cần nâng cao cảnh giác và thông báo ngay cho ngân hàng qua đường dây nóng hoặc cơ quan công an đóng trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ý kiến ()