Cảnh báo từ đường ngang dân sinh
LSO-Để đảm bảo an toàn khi đi qua đường ngang, người tham gia giao thông phải tuân thủ quy định khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Đặc biệt, ở nơi đường ngang không có đèn tín hiệu, rào chắn ..., phải chú ý quan sát, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp đi qua đường ngang thiếu quan sát dẫn tới tai nạn chết người.
Người dân băng qua đường sắt trên tuyến Mai Pha – Na Dương |
Gần một tuần trôi qua, người dân thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn vẫn chưa hết ám ảnh khi nhắc tới vụ tai nạn xảy ra tại đoạn đường ngang rẽ vào thôn. Khoảng 13 giờ 45 phút ngày 27/3/2015, chị Hoàng Thị N, trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn điều khiển xe máy qua đường ngang km 147 200 hướng từ Pò Đứa ra quốc lộ 1A đã đâm vào đoàn tàu khách lưu thông theo hướng Đồng Đăng – Hà Nội. Cú va chạm mạnh khiến cả người và xe máy văng xa, chị N tử vong tại chỗ.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn tới tai nạn là chị N thiếu quan sát khi tàu đang đi tới. Đáng chú ý, đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra trên đường ngang km 147 200. Anh Mã Văn Si, người dân thôn Pò Đứa cho biết: Gần 6 năm sống ở đây, tôi đã chứng kiến một số vụ tai nạn tương tự, nạn nhân đều là người ngoài thôn và hầu hết là do bất cẩn khi băng qua đường tàu nên bị tàu cán phải. Đường ngang này không có biển báo hiệu, hơn nữa, một số hộ dân còn trồng cây ngay gần đường ngang khiến tầm nhìn hạn chế, người đi đường nếu không chú ý quan sát tàu như trường hợp kể trên thì tai nạn rất dễ xảy ra.
Luật Đường sắt 2005 quy định đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác. Đường ngang hợp pháp bao gồm: đường ngang có người gác và đường ngang không có người gác nhưng có các thiết bị hỗ trợ cảnh báo người tham gia giao thông như ray hộ bánh, cần chắn tự động, đèn báo hiệu, chuông hoặc cột biển báo… Thực tế, ngoài đường ngang hợp pháp còn tồn tại các đường ngang không hợp pháp do lịch sử để lại hoặc phát sinh sau khi có đường sắt thường gọi là “đường dân sinh”. Theo trung tá Nguyễn Quốc Hồng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh, Điều 25 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ những quy tắc người tham gia giao thông cần tuân thủ để đảm bảo an toàn khi đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Trong đó, tại nơi đường ngang không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu (như đường ngang km 147 200), người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại, giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi. Tuy nhiên, trên thực tế, một số người tham gia giao thông không tuân thủ những quy tắc này dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng. Trên tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng đoạn qua thành phố Lạng Sơn, ngoài vụ tai nạn kể trên, năm 2011 đã xảy ra 1 vụ tai nạn tại đường ngang km 155 20 khiến một cặp vợ chồng tử vong do bất cẩn khi qua đường tàu.
Theo thống kê của Cung đường sắt Lạng Sơn thuộc Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Hà – Lạng, đoạn đường sắt đơn vị quản lý thuộc thành phố Lạng Sơn hiện có 5 đường ngang dân sinh, trong đó, đường ngang km 147 200 nổi lên là vị trí mất an toàn giao thông (ATGT). Riêng từ năm 2012 đến nay, tại đây xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt làm 2 người chết, 1 người bị thương. Ông Nguyễn Văn Đường, Cung trưởng Cung đường sắt Lạng Sơn cho biết: mỗi ngày, trên tuyến đường sắt chạy qua khu vực này, ngoài đôi tàu khách còn có nhiều chuyến tàu hàng lưu lượng người, phương tiện qua lại đường ngang cũng khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao. Tuy nhiên, đây là đường ngang không hợp pháp, ngành đường sắt không đầu tư hệ thống cảnh báo như: đèn tín hiệu, gác chắn… nên biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa tai nạn là người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức đề phòng, chú ý quan sát khi đi qua đường ngang. Trong khi chưa xóa bỏ được những đường ngang trái phép theo tinh thần Nghị quyết 88/2012 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT, để ngăn ngừa tai nạn giao thông thì riêng nỗ lực của ngành đường sắt là chưa đủ mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền sở tại trong tuyên truyền pháp luật về ATGT, giải tỏa vi phạm hành lang đường sắt, lắp đặt cảnh báo, bố trí người cảnh giới tại những đường ngang có nguy cơ xảy ra tai nạn….
THÚY HƯỜNG
Ý kiến ()