Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng
– Vì sự bồng bột, thích thể hiện cái tôi mà những học sinh, thanh thiếu niên đã lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Do lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời, nên chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng những thanh, thiếu niên ấy vẫn phải nhận hình phạt thích đáng vì hành vi phạm tội của mình. Câu chuyện xảy ra tại huyện Lộc Bình.
Phiên tòa xét xử 41 thanh thiếu niên phạm tội gây rối trật tự công cộng tại huyện Lộc Bình
Câu chuyện xảy ra vào tháng 11/2022, do có mâu thuẫn trên Facebook, nên V.Đ.T, sinh năm 2006, trú tại xã Tú Đoạn đã nhắn tin hẹn đánh nhau với H.Q.H, sinh năm 2005, trú tại xã Tú Mịch tại cầu Khuổi Khỉn, thuộc thôn Pò Coóc, xã Tú Đoạn. Cả hai đã nhắn tin rủ rê, lôi kéo thêm các bạn của mình là học sinh đang học tại trường THPT trên địa bàn huyện Lộc Bình để cùng tham gia đánh nhau.
Sau khi đã “lên lịch hẹn”, cả 2 nhóm đều chuẩn bị sẵn hung khí là các thanh kim loại có hàn, gắn dao nhọn, vỏ chai bằng thuỷ tinh… để đánh nhau. Các đối tượng đã điều khiển xe mô tô chở 2-3 người, đi với tốc độ cao dàn hàng hai, hàng ba, nhiều xe không gắn biển kiểm soát hoặc che biển kiểm soát, vừa đi vừa rú ga, bấm còi inh ỏi, hò hét, chửi bới, khiêu khích đánh nhau, làm náo loạn đường phố, gây mất an ninh trật tự.
Khi cả 2 nhóm đến điểm hẹn để chuẩn bị lao vào “hỗn chiến” thì Tổ công tác của Công an huyện Lộc Bình đã kịp thời phát hiện. Thấy vậy, các đối tượng quay đầu bỏ chạy và giải tán. Nếu không được lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời có lẽ hậu quả sẽ khôn lường.
Vụ việc đã được Toà án Nhân dân huyện Lộc Bình đưa ra xét xử hồi tháng 8/2023, với 41 bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng, mức án từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 24 tháng tù giam. Các bị cáo là thanh thiếu niên có độ tuổi từ 16 đến 20, phần đa là học sinh THPT, trú tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Bình.
Hối hận trước hành vi của mình, em H.V.N, xã Tú Đoạn (1 thanh niên trong vụ án trên) chia sẻ: Do bị bạn bè lôi kéo và vì vài phút bốc đồng nên em đã tham gia hội nhóm để tụ tập đánh nhau. Sau khi sự việc xảy ra, em đã đến Công an huyện để đầu thú. Em rất hối hận về hành vi của mình và sẽ không dám tái phạm nữa.
Các thanh thiếu niên trong vụ việc trên có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự rất đáng trách, tuy nhiên, thông qua vụ việc trên cho thấy các bậc phụ huynh đã buông lỏng trong quản lý, giáo dục con em mình. Hầu hết các phụ huynh không biết về sự việc con mình tham gia tụ tập, đánh nhau để nhắc nhở, khuyên răn, dạy bảo con em có nhận thức đúng đắn để kịp thời ngặn chặn ngay từ gia đình.
Bà V.T.N, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình cho biết: Tối hôm xảy ra sự việc con tôi chỉ nói con đi chơi với các bạn. Cháu đang ở tuổi thay đổi tâm sinh lý, chưa lường trước được hết hậu quả về việc làm của mình, nên hành động nông nổi. Cháu như vậy có phần lỗi của gia đình. Mức án mà cháu phải nhận không chỉ là bài học của con mà cũng là bài học cho bố mẹ, khi chúng tôi đã không định hướng, quản lý tốt con em. Thời gian tới, gia đình sẽ phối hợp với nhà trường giáo dục, sát sao, quan tâm hơn tới cháu.
Bà Nguyễn Thuý Huyền, thẩm phán chủ toạ phiên toà cho biết: Phần đa các bị cáo là học sinh, ở lứa tuổi có sự thay đổi về tâm sinh lý, chưa nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tại phiên toà chúng tôi cũng đã lồng ghép tuyên truyền nhiều quy định của pháp luật liên quan để các cháu, cũng như người tham gia phiên toà nâng cao hiểu biết, tránh những hành vi vi phạm tương tự. Để hạn chế vi phạm này, các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình cần tăng cường phối hợp tuyên truyền pháp luật, quản lý, giáo dục học sinh, thanh thiếu niên.
Được biết từ năm 2020 đến nay, Tòa án Nhân dân huyện Lộc Bình đã xét xử 3 vụ án, 60 bị cáo về tội danh gây rối trật tự công cộng, trong đó đa phần là thanh thiếu niên có độ tuổi từ 16 đến dưới 30.
Vụ việc trên là bài học đắt giá cho những thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng, cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và nhà trường trong giáo dục, quản lý con em, học sinh. Do đó, các cấp, ngành, nhà trường, đặc biệt mỗi gia đình cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật, quản lý, giáo dục con em, định hướng trong việc phát triển nhân cách, giúp các em có lối sống đúng đắn; đặc biệt có biện pháp răn đe, uốn nắn kịp thời đối với những thanh thiếu niên cá biệt. Cùng với đó, bản thân mỗi thanh thiếu niên cần chủ động tìm hiểu pháp luật, tích cực học tập, rèn luyện, không a dua, tụ tập đánh nhau; khi có mâu thuẫn với bạn bè, cần báo cho thầy cô, cha mẹ để tìm cách giải quyết, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ý kiến ()