Cảnh báo tình trạng người tâm thần gây án
![]() |
Người có biểu hiện thần kinh không bình thường cướp xe ô tô gây tai nạn trên địa bàn huyện Cao Lộc được y, bác sỹ cứu chữa |
Nhiều người hẳn chưa quên vụ án mạng xảy ra trên địa bàn xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình ngày 3/3/2017 vừa qua. Theo thông tin từ Công an tỉnh, khoảng 15 giờ, ngày 3/3/2017, bà H.T.X (sinh năm 1964) trú tại xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình đang điều khiển xe máy đi ăn cưới thì bị đối tượng Lường Văn Kho (sinh năm 1975), trú tại thôn Nà Rạo, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào người khiến bà tử vong. Sau khi gây án, đối tượng bỏ trốn. Sau 2 ngày truy bắt, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng tại nhà riêng ở thôn Nà Rạo, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình. Tìm hiểu được biết, trước đó, đối tượng Kho đã có biểu hiện tâm thần.
Trung tá Vi Quang Thanh, Đội trưởng Đội Hướng dẫn và Điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, hiện tượng người tâm thần gây án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ giết người do người tâm thần gây ra. Khi điều tra, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng không nhận thức được hành vi, không điều khiển được hành động, hoặc hành vi, nhận thức bị hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Đài, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội – Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 đối tượng mắc bệnh tâm thần đang được quản lý tại các huyện, thành phố. Đây là những bệnh nhân có hồ sơ quản lý tại khu dân cư và đang được sử dụng thuốc điều trị. Đáng quan tâm, trong số này, có hơn 600 đối tượng đã có hành vi gây án mức độ từ nhẹ đến nặng. Đây là những bệnh nhân đã qua khám, điều trị và đang được quản lý, trên thực tế, số bệnh nhân có biểu hiện mắc bệnh tâm thần chưa được khám, điều trị còn cao hơn rất nhiều.
Số người tâm thần trên địa bàn toàn tỉnh không phải là nhỏ, nhưng hiện nay, tỉnh mới chỉ có cơ sở khám bệnh chứ chưa có cơ sở chuyên khoa điều trị đối với bệnh nhân tâm thần nên công tác chăm sóc, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Công tác điều trị mới chỉ dừng lại ở việc khám, cho bệnh nhân uống thuốc trong một thời gian ngắn, bệnh nhân ổn định là cho về, sau đó, lập hồ sơ quản lý, sử dụng thuốc tại nhà.
Thực tế, hiện nay hầu hết bệnh nhân tâm thần trên địa tỉnh đều sống chung với gia đình hoặc để người tâm thần lang thang ngoài xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc người thân chấp nhận sống chung với hiểm họa tiềm ẩn. Pháp luật nước ta cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc bắt buộc người tâm thần phải đi chữa bệnh tại những cơ sở khám, chữa bệnh khi người bệnh chưa phạm tội. Vì vậy, việc đưa người mắc bệnh tâm thần đi khám, chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình người bệnh. Trước những sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua có thể thấy gia đình và xã hội còn lơ là trong quản lý người tâm thần.
Để ngăn ngừa những vụ án nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới, trước hết gia đình cần chú ý đến việc quản lý, chăm sóc người bệnh; không để người bệnh tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, tránh những hành vi, lời nói làm người bệnh kích động. Điều quan trọng là mỗi gia đình nên chủ động đưa người bệnh đi chữa bệnh tại cơ sở chuyên khoa. Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần quan tâm đúng mức đến việc rà soát, quản lý người tâm thần cũng như công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ý kiến ()