Cảnh báo tình trạng lợn “quay đầu”
LSO-Theo số liệu của Trạm kiểm dịch động vật Bến Lường, từ đầu năm 2016 đến trung tuần tháng 3/2016, đơn vị này đã kiểm tra nhập tỉnh được 1.892 xe ô tô vận chuyển lợn với số lượng 202.945 con. Số lợn này chủ yếu xuất qua biên giới. Tuy nhiên không phải tất cả đều xuất được, bởi bên nhập sẽ trả lại những con lợn yếu, chết trong quá trình vận chuyển. Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng một số lái xe vứt xác lợn chết dọc đường, thậm chí bán cho một số tư nhân để đưa vào lò mổ.
Xe chở lợn chờ xuất qua biên giới tại Co Sa, Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình |
Lối mở Co Sa, khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình những ngày cuối tháng 3, đất nhão ra như cháo bởi mưa dầm. Không còn nhộn nhịp như trước, nhưng những ngày này vẫn có khoảng trên dưới 10 xe chở lợn xuất qua đường này.
Anh Nguyễn Văn Huy, lái xe 98C.04832 chở lợn từ Bắc Giang đến cho biết: nếu nhanh thì đến chiều là em xuất hết xe (150 con), còn nếu chậm thì phải đợi. Nếu nhanh thì chỉ cần tiếp nước cho lợn, còn chậm phải đưa vào bãi cho lợn ăn; nếu để lợn yếu hoặc chết, phía bên kia họ sẽ không nhận.
Nói về chuyện xuất nhanh, chậm, trung tá Trần Minh Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: thủ tục xuất bên ta thì không vấn đề gì, nhưng lại phụ thuộc bên nhập. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay để xuất qua biên, các chủ hàng phải thuê người lùa lợn qua đường mòn để giao cho bên kia, bởi vậy có lúc nhanh, nhưng cũng có khi phải đợi vài ngày mới có thể xuất hết xe lợn.
Trải qua cung đường vận chuyển dài, lại thêm thời gian chờ đợi, một số con lợn bị chết hoặc quá yếu, phía bên kia không nhận. Số này sẽ “quay đầu” trở về nội địa. Theo lái xe Nguyễn Văn Huy cho biết: trường hợp lợn chết, chúng em phải thuê người dân bản địa chôn để đảm bảo vệ sinh môi trường, số yếu thì chở lại giao cho chủ hàng.
Thế nhưng không phải ai cũng có ý thức như vậy. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng vứt xác lợn dọc đường vận chuyển “quay đầu” gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí nguy hiểm hơn, đã có tình trạng tư nhân mua lại số lợn này đưa vào lò mổ để bán kiếm lời.
Cụ thể, ngày 25/2/2016, tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, lực lượng chức năng đã phát hiện 8 con lợn chết (trọng lượng trên 1,2 tấn) do chủ hàng vận chuyển bỏ lại trên đường. Ngày 14/3/2016, tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 1 cùng với Trạm Thú y thành phố đã phát hiện và kịp thời xử lý 1 trường hợp mua 5 con lợn (520 kg) chết của chủ hàng buôn bán vận chuyển, đưa vào lò mổ với mục đích đưa ra thị trường tiêu thụ.
Rất may các vụ việc trên đều được phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, các vụ việc trên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, xâm nhiễm dịch bệnh cho gia súc trên địa bàn và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Đỗ Văn Cầu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 30-60 xe vận chuyển lợn vào tỉnh qua Trạm kiểm dịch động vật Bến Lường (Hữu Lũng). Từ đầu năm 2016 đến trung tuần tháng 3/2016, Trạm kiểm tra phúc kiểm nhập tỉnh 202.945 con lợn thịt.
Tuy nhiên đây chỉ là số liệu nhập tỉnh ở các tỉnh phía sau qua quốc lộ 1A; còn lại các đầu mối giao thông khác thì rất khó nắm bắt bởi chưa có trạm kiểm dịch. Hầu hết số lợn nhập tỉnh này xuất qua biên giới theo các đường chủ yếu như: Chi Ma (Lộc Bình); Nà Nưa (Tràng Định); Bản Chắt (Đình Lập)… Trong số này có bao nhiêu con lợn phải “quay đầu” và các chủ hàng xử lý ra sao thì khó mà biết được.
Trước hiện tượng này, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các trạm thú y phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khác tăng cường kiểm tra, giám sát tại chợ, địa điểm buôn bán, tập kết lợn; tổ chức ký cam kết đến các hộ kinh doanh, cơ sở giết mổ không mua bán, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y… Tuy nhiên, để tăng hiệu quả kiểm soát cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin hai chiều giữa các lực lượng khu vực biên giới và ngành hữu quan trong nội địa.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()