Cảnh báo tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại Khu du lịch Mẫu Sơn
LSO- Khu vực núi Mẫu Sơn (Lộc Bình)có địa hình hiểm trở, với tổng diện tích tự nhiên 10.740 ha. Trong 2 năm gần đây, tại Khu du lịch Mẫu Sơn, nhiều hộ dân đã tự tiện khai thác nhựa thông và khai thác lâm sản trái phép; nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn tới hệ quả nhiều rừng thông có nguy cơ bị xóa sổ.
Khai thác nhựa thông dọc tỉnh lộ 237B (đường Bản Tẳng – Mẫu Sơn)
Bảo tồn, phát triển đa dạng hệ sinh thái
Khu vực núi Mẫu Sơn hiện tại rừng nguyên sinh còn khoảng 1.543 ha, chiếm 14,4% so với tổng diện tích tự nhiên và có 3.000 ha đất rừng sản xuất. Từ năm 2007, UBND tỉnh có Quyết định số 1833/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, trong đó, diện tích rừng tại khu vực núi Mẫu Sơn đã được quy hoạch là rừng phòng hộ. Trên cơ sở diện tích rừng và đất rừng thuộc quy hoạch phòng hộ, huyện Lộc Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, đồng thời xúc tiến công tác trồng rừng phòng hộ.
Công tác trồng rừng phòng hộ tại khu vực núi Mẫu Sơn được huyện Lộc Bình triển khai từ năm 1998. Trong giai đoạn này, huyện giao kế hoạch trồng 91 ha rừng thông mã vĩ tại khu đất Chân Mây cho 4 đơn vị: Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện, Trường Nội trú huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Các đơn vị trên đã thuê nhân dân ở thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn trồng và chăm sóc; toàn bộ tiền công trồng và chăm sóc 3 năm đầu được thanh toán đầy đủ. Cũng trong thời điểm đó, Lâm trường Lộc Bình (nay là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bình) được giao kế hoạch và tự trồng rừng theo Dự án 327 tại tiểu khu 382b, khoảnh 2 Mẫu Sơn diện tích 74,3 ha.
Cùng với việc triển khai công tác trồng rừng tại khu vực Chân Mây, dọc 2 bên đường tỉnh lộ 237B từ thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh lên đến xã Mẫu Sơn cũng được Hạt Kiểm lâm huyện giao cho các hộ dân tiến hành trồng rừng phủ xanh đất trống từ nguồn vốn: Dự án Việt – Đức, Dự án 327, Dự án hỗ trợ sản xuất, Dự án trồng cây phân tán.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, ước tính số diện tích rừng thông trồng từ chân núi khu Bản Tẳng lên đến khu Chân Mây có khoảng 300 ha. Toàn bộ diện tích rừng trồng được 17 tuổi; cây cao trung bình từ 12-15 mét; đường kính cách gốc 1 mét, đạt 15 cm. Diện tích rừng trồng đã góp phần đắc lực vào công tác phòng hộ, chống xói mòn và tạo cảnh quan môi trường sinh thái phục vụ có hiệu quả khu du lịch Mẫu Sơn.
Đối tượng này thường xuyên lên khu rừng tự nhiên Mẫu Sơn khai thác lâm sản
Khai thác “tự nhiên”
Trong 2 năm trở lại đây, nhân dân khu vực Bản Tẳng, xã Bằng Khánh tự tiện khai thác nhựa thông để bán. Tiếp đó đến tháng 6/2015, tại khu rừng thông Chân Mây, xã Mẫu Sơn một số hộ dân thôn Khuổi Cấp tự ý khai thác nhựa thông, làm cho cây thông không những không phát triển được mà còn bị suy kiệt rồi chết. Tình trạng khai thác nhựa thông làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, làm tăng nguy cơ xói mòn đất, giảm sinh thuỷ, đe doạ đến sự an toàn giao thông của tuyến đường này. Ông Vũ Ngọc Hùng, Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Số rừng thông trồng tại khu vực Chân Mây và 2 bên tỉnh lộ 237B thuộc rừng phòng hộ và rừng cảnh quan môi trường không được phép khai thác cây cũng như khai thác nhựa. Việc nhân dân tự tiện khai thác nhựa thông là vi phạm các quy định quản lý, bảo vệ rừng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng. Cũng trong tháng 7 và 8/2015, UBND huyện Lộc Bình đã tổ chức 2 cuộc họp với các phòng, ban có liên quan để ngăn chặn tình trạng nhân dân tự ý khai thác nhựa thông.
Đối với rừng tự nhiên, từ năm 2012 đến nay, một số hộ dân ở các xã lân cận lén lút khai thác cây vầu, cây sặc. Theo cơ quan chức năng, tại khu rừng đầu nguồn Mẫu Sơn luôn có vài đối tượng thường xuyên vào rừng khai thác cây sặc mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ được 1-3 vụ/ năm; mỗi vụ từ 300- 450 cây. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại khu rừng Mẫu Sơn đã làm ảnh hưởng hệ sinh thái đa dạng rừng phòng hộ.
Cần cứu lấy rừng
Hiện nay, rừng thông khu vực Chân Mây được xếp vào khu rừng phòng hộ, rừng cảnh quan môi trường. Do vậy, việc cấm khai thác cây và lấy nhựa là việc làm cấp bách. Hiện tại, số diện tích rừng trồng khu vực Chân Mây đang có những “bất đồng” về quyền sở hữu.
Theo quan điểm của UBND huyện, số diện tích rừng trên cần được giao cho Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn để phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện để quản lý bảo vệ; công tác quản lý bảo vệ rừng cần gắn kết các hộ dân tại địa bàn phối hợp thực hiện. Các cơ quan chuyên môn của huyện cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể 2 xã Mẫu Sơn và Bằng Khánh làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân không tự ý khai thác nhựa thông tại các khu rừng đã quy hoạch rừng phòng hộ. Đối với các trường hợp khai thác lâm sản trái phép, lực lượng quản lý cần có chế tài đủ mạnh để chặn đứng tình trạng chặt phá rừng bừa bãi.
Để “Phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia” thì công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy hoạch là việc làm cấp bách cần được các cấp, ngành quan tâm.
Bài, ảnh: MINH TRANG
Ý kiến ()