Cảnh báo tai nạn giao thông từ rượu, bia
(LSO) – Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đang trở thành “vấn nạn” gây hiểm họa khôn lường cho chính người tham gia giao thông và cho toàn xã hội.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm do lái xe sử dụng rượu, bia gây ra. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh trung tuần tháng 10/2018 khiến 1 người tử vong và 7 người khác bị thương. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Còn ở Lạng Sơn, trong năm 2017, toàn tỉnh có 59 vụ TNGT thì có tới 11 vụ liên quan tới nồng độ cồn. Từ đầu năm 2018 đến trung tuần tháng 11, toàn tỉnh, xảy ra 48 vụ TNGT, tuy chưa có vụ nào liên quan đến nồng độ cồn nhưng qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 3 nghìn trường hợp trong người có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong đó, 95% là người điều khiển xe mô tô.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe khách trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Cao Lộc
Ông Lâm Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan đến rượu, bia vẫn khá phổ biến. Đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ TNGT.
Theo y sỹ Lê Văn Tiến, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Lạng Sơn, người tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia thì mọi phản xạ đều không nhanh nhạy và thiếu chính xác nên nguy cơ TNGT rất cao. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia nếu để xảy ra TNGT còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế, nồng độ cồn trong máu cao gây ra hiện tượng máu loãng, khó cầm dẫn đến mất máu nhiều, làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh nên tỷ lệ tử vong cao.
Hiện nay, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe mô tô vượt quá nồng độ cồn lên tới 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng, đối với người điều khiển xe ô tô mức phạt lên đến 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 6 tháng.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, để ngăn ngừa TNGT do sử dụng rượu bia, khi tham gia giao thông, mọi người phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, nhất là quy định về nồng độ cồn. Nếu đã sử dụng rượu, bia thì chúng ta đi các phương tiện công cộng hoặc nhờ bạn bè, người thân chở về nhà để đảm bảo an toàn. Anh Hà Văn Định, người dân sống tại đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua, tôi thấy tai nạn do người điều khiển phương tiện tham giao thông đã uống rượu, bia gây ra trên địa bàn cả nước là khá nhiều. Tôi không bao giờ ủng hộ việc đã uống rượu, bia mà lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vì như vậy rất nguy hiểm.
Có thể thấy, để ngăn ngừa TNGT do rượu, bia, trước tiên mỗi người dân cần nhận thức rõ về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, nên hình thành thói quen “không điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia”. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn để răn đe, góp phần giảm TNGT và hậu quả do TNGT gây ra.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()