Cảnh báo tác hại của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe giới trẻ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: thuốc lá điếu, nhất là thuốc lá điện tử, nung nóng và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác đều là những sản phẩm gây hại đối với sức khỏe, trong đó 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đáng lo ngại, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ ở nước ta đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây.
Theo số liệu thống kê của WHO, thuốc lá đang gây ra khoảng tám triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Trong khi đó, mỗi năm có một triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động, trong đó có 64% số tử vong do hút thuốc lá thụ động là nữ và 160 nghìn ca tử vong là trẻ em dưới năm tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70 nghìn người tử vong nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.
Đáng chú ý, thời gian qua tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên ở nước ta đã giảm. Cụ thể: Nhóm tuổi 13 đến 17 tuổi giảm từ 5,36% (năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019); nhóm tuổi 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% xuống còn 1,9%. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể từ 3,5% (năm 2022) lên 8,0% (năm 2023).
Ở nhóm tuổi trẻ từ 15 đến 24 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử với tỷ lệ 7,3%; nhóm tuổi từ 25 đến 44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45 đến 64 là 1,4%. Đặc biệt đáng lo ngại là ở nữ giới tuổi từ 11 đến 18 tuổi, theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Theo Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, WHO đã khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe. Đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển não bộ của trẻ em và thanh thiếu niên, hậu quả nghiêm trọng kèm theo đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến các em dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sớm hơn và trầm trọng hơn trong tương lai. Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, trên thế giới, nhiều trường hợp tổn thương phổi cấp tính và nghiêm trọng do thuốc lá điện tử đã được báo cáo, tính đến ngày 18/2/2020 chủ yếu tại Mỹ đã có 2.807 trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, bao gồm 68 ca tử vong).
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Thời gian sử dụng có 81 người sử dụng lần đầu tiên, 1.143 người đã từng dụng một thời gian.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho biết thêm, khói thuốc lá điện tử có chứa chất độc hại gồm: aceton, acrolein, acet- aldehyde, formaldehyde, các chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocabon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), và kim loại chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong một số khói thuốc của một số sản phẩm thuốc lá điện tử ở mức bằng và cao hơn thuốc lá thông thường.
Trong khi đó, khói thuốc nung nóng có chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất lại cao hơn, và tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá điếu thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, có thể khẳng định, các sản phẩm thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và cũng gây nghiện tương tự như thuốc lá thông thường. Do vậy, không thể coi giảm tác hại thuốc lá điếu bằng cách cho cho sử dụng một sản phẩm gây nghiện khác và tạo ra một thế hệ người nghiện mới (bao gồm cả trẻ em và phụ nữ).
Mặt khác, các sản phẩm thuốc lá mới nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và những kết quả của hoạt động phòng, chống thuốc lá mà chúng ta đã đạt được trong nhiều năm qua sẽ bị phá bỏ. Trước tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt để kịp thời ngăn chặn thế hệ trẻ sử dụng, phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ trong tương lai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tích cực hơn nữa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đối với các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác. Về lâu dài, sẽ hoàn thiện các quy định cấm các sản phẩm này trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ý kiến ()