Cảnh báo rủi ro khi đầu tư "tiền ảo"
Huy động tiền qua ví điện tử
Những năm gần đây, việc ủy thác cho vay và kinh doanh đa cấp tiền ảo có xu hướng tăng mạnh ở nước ta. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo liên tục về các hình thức đầu tư tiền ảo thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhưng nhiều người vẫn bất chấp, tham gia đầu tư. Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và đưa ra cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo của ví thanh toán điện tử mang tên “PayAsian”. Theo tài liệu điều tra của Bộ Công an, PayAsian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019, do Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại phường 3, quận 11, TP Hồ Chí Minh) là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần PayAsian. Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số người thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư vào ví điện tử PayAsian. Giới thiệu PayAsian là ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới chấp nhận tất cả các loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, hay môi trường thanh toán… Hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng PAYA và quảng cáo sau sáu tháng sẽ tăng lên gấp mười, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp. Cụ thể: Muốn tham gia vào hệ thống PayAsian, nhà đầu tư phải nộp ít nhất số tiền tương ứng 100 USD để mua đồng PAYA với giá 0,05 USD/PAYA. Mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác tham gia nộp tiền sẽ được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu; và càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng được hưởng nhiều lợi ích (hoa hồng của F1 là 30%; F2 là 20%; thưởng nhánh yếu là 30%; thưởng lãnh đạo là 15% tổng doanh số nhánh yếu khi đạt mốc 10 triệu PAYA, 20 triệu PAYA…).
Qua xác minh trụ sở Công ty cổ phần PayAsian tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, lực lượng Công an được biết, đây là trụ sở của Công ty cổ phần EcoWorld, bên trong trụ sở công ty này được Công ty PayAsian thuê treo biển quảng cáo mang dòng chữ “PAYASIAN”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ví điện tử PayAsian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayAsian không thể sử dụng; các nhà đầu tư muốn rút tiền chỉ có cách bán PAYA ảo cho nhà đầu tư khác trong nội bộ, tồn tại rất nhiều rủi ro. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều rủi ro khi đầu tư
Cũng liên quan đầu tư tiền ảo, Bộ Công an mới đây đã phát hiện hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ ERG thực chất là mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước) và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước. Theo tài liệu điều tra, ERG được giới thiệu là Công ty Tài chính công nghệ thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC, là kênh đầu tư tài chính đến từ châu Âu; tập trung mạnh vào năm lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 là Trading (thương mại), Mining (khai thác tiền ảo), Game (trò chơi trực tuyến), Paid to Click (trả tiền cho lượt nhấp chuột), Ecommerce (thương mại điện tử). Công ty Tài chính công nghệ ERG thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC có địa chỉ tại quần đảo Virgin thuộc Anh; mục đích kinh doanh là thu hút và quản lý quỹ đầu tư, lợi nhuận bằng cách sử dụng sự biến động của tiền điện tử và tăng số lượng người dùng; được quảng cáo sẽ mang về lãi suất, lợi nhuận rất lớn là 180%/năm.
Qua công tác kiểm tra, Bộ Công an được biết, công ty này không được cơ quan nào của Anh cấp phép; các trang web hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ERG không đăng ký hoạt động tại Việt Nam; ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp… Hình thức hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính công nghệ ERG là nhà đầu tư khi muốn tham gia vào gói huy động tài chính của ERG phải cài đặt ứng dụng (thường gọi là app) do ERG cung cấp và thực hiện theo hướng dẫn đầu tư. Nhà đầu tư sẽ tham gia vào một trong 13 gói đầu tư khác nhau, từ 100 USD/gói đến 1 triệu USD/gói. Lợi nhuận không phụ thuộc vào gói đầu tư mà phụ thuộc vào thời gian đầu tư (hình thức giống lãi suất gửi ngân hàng, gồm ba tháng, sáu tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng), với lãi suất lần lượt từ 6%/tháng đến 15%/tháng, tương đương 180%/năm. Ðể đầu tư các gói này, nhà đầu tư có hai hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Tài chính công nghệ ERG là chuyển tiền Việt Nam đồng vào tài khoản của người bán (là các thành viên của ERG) để mua “USD ảo” được hiển thị trên tài khoản ERG khởi tạo của mình hoặc chuyển các loại tiền điện tử (như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Litecoin) tích hợp được vào ví ERG để đầu tư. Ngoài ra, mỗi một gói đầu tư đều có gói hoa hồng giới thiệu (giống mô hình đa cấp). Thí dụ, nếu nhà đầu tư trước mời được khách hàng khác đầu tư gói 50.000 USD vào hệ thống, thì người giới thiệu sẽ được nhận 6% hoa hồng cho F1, 5% cho F2 và 3% cho F3…
Bộ Công an xác định, hiện Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của ERG, vì nhà đầu tư không biết, không xác thực được tên công ty, trụ sở công ty này ở đâu. Những nhà đầu tư thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ đầu tư qua môi giới, sau khi gửi tiền thì không được nhận bất cứ giấy tờ hay biên lai gì. Sau một thời gian tham gia, nhà đầu tư chỉ được ERG trả lãi bằng tiền “USD ảo” có trong ứng dụng ERG được cài đặt trong điện thoại. Nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “USD ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống ERG, không bán được ra ngoài hệ thống. Trong trường hợp không có người mua hoặc ứng dụng ERG bị sập, nhà đầu tư sẽ mất tiền, tương tự như một số sàn tiền ảo bị sập thời gian trước đây khiến cho nhiều người tại Việt Nam bị mất trắng các khoản tiền đã đầu tư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()