Cảnh báo nguy cơ phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran
Thỏa thuận hạt nhân Iran, với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), có thể bị phá hủy nếu lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran được gia hạn. Đại sứ Iran tại Nga, ông Kazem Jalali, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6-7 trên kênh truyền hình “Russia-24” của Nga, đã khẳng định điều này.
Đại sứ Iran Jalali nói: “Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) quy định rằng các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ vào tháng 10 tới, nhưng ngay tại diễn đàn của LHQ, đại diện của Mỹ đã khẳng định rằng họ sẽ không tuân thủ nghị quyết nêu trên”.
Đại sứ Iran tại Nga Jalali nhắc lại việc mới đây, Mỹ đã khởi xướng một cuộc họp của HĐBA LHQ, nhằm tạo ra các điều kiện tiên quyết để mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Mỹ thành công cũng đồng nghĩa sẽ đặt dấu chấm hết cho JCPOA.
Giữa tháng 1 vừa qua, ba nước châu Âu là Đức, Anh và Pháp (vốn cũng tham gia ký JCPOA) cho biết, họ có kế hoạch kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp (DRM) trong thỏa thuận, theo đó có thể khôi phục các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Iran. Một nguồn tin giấu tên dẫn lời các nhà ngoại giao châu Âu cho biết các nước châu Âu này dự định thông báo với Liên minh châu Âu (EU) rằng họ sẽ kích hoạt DRM, điều rất có thể dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran theo nghị quyết trước đây của LHQ.
Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov, đã cảnh báo những nước ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, cần tránh những tranh chấp có khả năng gây tổn hại JCPOA. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cũng cho rằng chính sách của Mỹ trong vấn đề Iran là không phù hợp và kêu gọi Mỹ nên quay trở lại JCPOA. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, đã gây thiệt hại trực tiếp hơn 200 tỷ USD, nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều.
Hồi tháng 7-2015, Iran và Nhóm P5 1 (gồm năm nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc các nước phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này.
Tuy nhiên, vào tháng 5-2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA. Trước thời điểm đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã có 11 báo cáo khẳng định Iran đang tuân thủ các cam kết trong JCPOA. LHQ lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi JCPOA, áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, chấm dứt cho phép các nước giao dịch mua bán dầu thô với Iran cũng như ngừng tất cả các dự án mà JCPOA cho phép. Các quyết định này đã gây khó khăn cho Iran và các nước HĐBA trong việc thực hiện JCPOA và Nghị quyết 2231. Đồng thời, LHQ cũng không khỏi quan ngại trước việc Iran tiến hành các bước đi giảm bớt cam kết đối với JCPOA kể từ tháng 7-2019 nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
LHQ nhấn mạnh việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2231 và JCPOA là cách tốt nhất giải quyết các khác biệt giữa các bên về vấn đề hạt nhân Iran và bảo đảm sự ổn định cho khu vực.
Ý kiến ()