Cảnh báo nguy cơ mất an toàn lao động từ các xưởng chế biến gỗ
LSO-Hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Lộc, hoạt động chế biến gỗ đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, tại phần lớn các cơ sở chế biến gỗ, vấn đề an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Công nhân xẻ gỗ tại cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Cao Lộc
Đầu tháng 4/2020, chúng tôi có mặt tại cơ sở chế biến gỗ của bà Hoàng Thị Phấn tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. Tại đây, bên cạnh những cỗ máy cưa cỡ lớn, hàng chục lao động khuân vác từng khúc gỗ lớn đặt lên bàn xẻ. Trong khi đó, bộ phận xích tải của máy không được che chắn lại để đảm bảo an toàn cho người vận hành.
Trong môi trường làm việc ồn ào và bụi bặm nhưng tất cả những gì công nhân ở đây được trang bị để bảo đảm an toàn lao động chỉ là đôi găng tay. Thay vì trang phục bảo hộ, các lao động chỉ mặc quần áo bình thường, thậm chí do môi trường làm việc rất tốn sức nên vào những ngày nắng nóng, công nhân thường cởi trần khi làm việc. Có thể thấy, những xưởng chế biến như thế này đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Tại cơ sở chế biến lâm sản Đức Tâm (thôn Cổ Lương, xã Gia Cát) hiện nay có khoảng 10 lao động. Bên cạnh việc không có dụng cụ bảo hộ, tất cả những lao động ở đây đều không được tham gia bất kỳ lớp tập huấn về an toàn lao động nào, chỉ là học hỏi kinh nghiệm từ những người làm lâu năm để hạn chế rủi ro xảy ra đối với nghề này.
Ông Tôn Đức Tâm, chủ cơ sở chế biến gỗ Đức Tâm cho biết: “Xưởng của tôi chỉ là hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, vốn theo hình thức quay vòng nên không thể đủ khả năng trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân…”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Lộc có gần 20 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Với thời gian làm khoảng 8 tiếng, trung bình mỗi lao động tại các xưởng gỗ này có thu nhập 180.000 – 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, theo những lao động trong nghề này, những thời điểm lượng gỗ về nhiều hoặc do khách hàng đặt gấp thì những lao động ở đây sẽ phải làm thêm giờ, thậm chí làm cả ca tối. Thời lượng làm việc tăng lên và môi trường làm việc như vậy đồng nghĩa với việc nguy cơ xảy ra tai nạn tại xưởng gỗ sẽ tăng lên.
Anh Lương Văn N, (xã Gia Cát) hiện là lao động tự do, từng làm trong một xưởng chế biến gỗ trên địa bàn huyện Cao Lộc kể lại: “Trước đây, khi còn làm trong một xưởng gỗ, tôi không cẩn thận, khi đang bê gỗ lên máy cưa để xẻ đã bị lưỡi cưa đứt văng vào tay, phải nghỉ một thời gian dài đề điều trị”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những lao động tại các xưởng gỗ nằm ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi, hầu hết đều là các lao động không qua đào tạo. Nhiều người dù đang đứng máy cưa nhưng vẫn thản nhiên tán chuyện, cười đùa, chỉ cần một chút lơ là, chủ quan thì những tai nạn đáng tiếc hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo số liệu của Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc (LĐTBXH – DT) huyện Cao Lộc, từ năm 2019 đến nay, qua kiểm tra thực tế tại một số xưởng chế biến gỗ, việc chấp hành các quy định an toàn lao động còn rất hạn chế do nhận thức của người lao động chưa cao. Cùng đó, một số doanh nghiệp vốn ít nên chưa thể đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho người lao động.
Ông Đồng Minh Quy, Phó trưởng Phòng LĐTBXH – DT huyện Cao Lộc cho biết: Công tác quản lý an toàn lao động trong lĩnh vực này trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Một phần do người lao động không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào, làm theo mùa vụ nên việc ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội rất khó thực hiện. Nhiều lao động dù đã được chủ kinh doanh và doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhưng chưa có thói quen sử dụng các phương tiện, đồ dùng bảo hộ. Chính vì vậy, thời gian qua, phòng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn lao động. Ngoài ra, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không chấp hành quy định về an toàn lao động, đơn vị sẽ xử lý nghiêm.
GIA KHÁNH
Ý kiến ()