Cảnh báo nguy cơ mất an toàn hồ, đập
– Hiện trên địa bàn tỉnh có 123 hồ, đập đang chứa nước, trong đó có 55 hồ, đập chứa nước lớn. Theo kết quả khảo sát sự cố công trình thủy lợi, hiện có 16 công trình hồ, đập chứa nước lớn đang xuất hiện mạch sủi tại thân đập, tức là đã xuất hiện vùng thấm nước qua thân đập ở vùng hạ lưu. Đây chính là nguy cơ dẫn đến việc vỡ đập.
Nhiều hồ, đập chứa nước lớn xuống cấp
Khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày 31/8/2022, công trình đập Khuổi Quật (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình) bị vỡ. Nguyên nhân được xác định là do công trình được xây dựng đã lâu (từ 1977), hệ thống đập xuống cấp, nước từ hồ thấm và rò rỉ qua đập từ lâu cộng với áp lực nước lớn đã khiến đập vỡ.
Ngay sau sự cố vỡ đập Khuổi Quật, trong đợt mưa lớn vào đầu tháng 9/2022, phóng viên đã chứng kiến hiện tượng sủi mạch thân đập (vùng thấm nước) tại hồ, đập Kéo Quân (xã Tri Phương, huyện Tràng Định). Đây là công trình được xây dựng và sử dụng từ năm 1968, trước cả công trình hồ, đập Khuổi Quật. Theo đó, hiện thân đập vùng hạ lưu đã xuất hiện 2 mạch sủi khiến nước thấm qua thân đập ở vùng hạ lưu. Chính vì vậy, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tràng Định đã phải khẩn cấp hạ mức nước hồ xuống ở mức 8m.
Công trình hồ, đập Kéo Quân (xã Tri Phương, huyện Tràng Định) có 2 vị trí thấm nước ngang thân đập
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Tràng Định chia sẻ: Hồ, đập Kéo Quân được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1968. Diện tích lưu vực 1,6 km2, tổng dung tích khoảng 529 m3, chiều cao cột nước hữu ích là 12m. Tuy vậy, khi mực nước hồ ở mức 10,5m thì xuất hiện vùng thấm nước lan dọc theo chiều ngang trên thân đập. Diện tích thấm khoảng 150m2. Lưu lượng dòng thấm khoảng 0,4 lít/giây, điều quan ngại là phạm vi thấm có xu hướng mở rộng. Ngoài hồ, đập Kéo Quân, trên địa bàn huyện Tràng Định còn có 4 hồ, đập chứa nước lớn cũng đang xuất hiện vùng thấm nước trên thân đập như hồ, đập: Hua Khao, Cao Lan (xã Quốc Khánh), Khuổi Hin (xã Chi Lăng), Slam Kha (xã Đề Thám).
Cũng giống như Tràng Định, tại Bắc Sơn hiện có 3 hồ, đập chứa nước lớn đã xuất hiện vùng thấm nước tại thân đập. Cụ thể là hồ, đập: Phai Thuống (xã Trấn Yên), Khau Hường (xã Chiến Thắng, Khuôn Ngần (xã Đồng Ý). Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 13 hồ, đập chứa nước lớn. Qua kiểm tra thực tế, có 3 hồ, đập chứa nước lớn đã xuất hiện vùng thấm nước trên thân đập với lưu lượng dòng thấm rất lớn vào khoảng 0,6 lít/giây.
Không chỉ 2 địa bàn này, tại huyện Lộc Bình, Cao Lộc cũng có một số hồ, đập có hiện tượng thấm nước. Theo khảo sát mới nhất của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 hồ, đập chứa nước lớn đã xuống cấp, đặc biệt là có 7 hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng, có hiện tượng thấm nước qua thân đập từ 2 – 3 vị trí. Trong đó, có hồ, đập lượng nước thấm qua thân đập với lưu lượng lên đến 1,2 lít/giây.
Cần khẩn trương sửa chữa, khắc phục
Đó là yêu cầu cấp thiết nhất vào thời điểm này. Ông Vũ Xuân Hào, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi cho biết: Các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh hầu như đều đã được khai thác, vận hành khoảng 40 năm. Nhiều vị trí đập được xây dựng và sử dụng từ những năm 1960 mà lại hầu hết là đập đất. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, độ kết dính của đất đắp bị suy giảm, cùng đó, do quá trình thi công từ trước các lớp đất đắp bị phân tầng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng chống thấm nước cho thân đập. Với hiện trạng như vậy nhiều công trình hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cao, nếu không khẩn trương sửa chữa, khắc phục có thể xảy ra nguy cơ vỡ đập như trường hợp vỡ đập Khuổi Quật tại huyện Lộc Bình vừa qua.
Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh được biết, sau khi kiểm tra phát hiện sự cố của các công trình hồ, đập do công ty đang quản lý và khai thác, công ty đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc trực tiếp quản lý hạ thấp mực nước trong hồ xuống còn 50-60% dung tích, rào khu vực thấm, cử cán bộ quản lý công trình theo dõi diễn biến vùng thấm, thường xuyên cập nhật và báo cáo kịp thời khi hồ, đập có dấu hiệu bất thường xảy ra, phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền đến người dân về nguy cơ mất an toàn hồ, đập…
Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời, về lâu dài cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp những công trình hồ, đập đã xảy ra hiện tượng thấm nước qua thân đập và nâng cấp cả những công trình hồ, đập đã xuống cấp. Ông Vũ Xuân Hào, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết thêm: Để đảm bảo an toàn cho công trình hồ, đập và an toàn cho người dân phía hạ du hồ, đập thì việc sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ, đập là rất cần thiết.
Tuy nhiên, có một thực tế là thời gian qua, mặc dù nhiều công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng do số lượng các công trình nhiều, kinh phí đầu tư sửa chữa mới chỉ ở mức sửa chữa chắp vá ở từng thời điểm, do vậy, nhiều công trình sau khi sửa chữa vẫn xảy ra sự cố thấm nước. Điển hình như công trình hồ, đập Kéo Quân (xã Tri Phương, huyện Tràng Định) đã được sửa chữa nâng cấp vào năm 2009 và cũng đã sửa chữa lại vào năm 2021 nhưng đến thời điểm này vẫn xảy ra sự cố.
Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần khẩn trương rà soát một cách tổng thể để các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh, nhất là những công trình hồ, đập xung yếu đảm bảo an toàn. Qua đó, không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực hồ, đập mà còn đảm bảo cung ứng đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ điều tiết nước, giảm ngập úng trong mùa mưa bão.
Ngày 9/8/2022, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản số 3574/VP-KT (về việc sửa chữa, khắc phục sự cố công trình thủy lợi) truyền đạt ý kiến chí đạo của đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có nội dung: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn phối hợp với UBND các huyện: Bắc Sơn, Tràng Định theo dõi chặt chẽ vùng thấm 7 hồ để kịp thời có biện pháp xử lý khi có hiện tượng lưu lượng nước thoát ra lớn hơn; giao các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất bố trí kinh phí sửa chữa các công trình hạng mục thực sự cấp bách, đúng quy định… |
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cùng với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra toàn bộ các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện một số hồ, đập có sự cố xảy ra, trong đó chủ yếu là sự cố về thấm nước từ hồ qua thân đập. Hiện sở đã đồng ý về phương án sửa chữa, khắc phục của công ty và đang xem xét bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình có nguy cơ mất an toàn. Bước đầu tính toán, tổng kinh phí sửa chữa vào khoảng 8,7 tỷ đồng”.
Bà Lâm Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định
“Trên địa bàn xã có 2 công trình hồ, đập đang xuống cấp nghiêm trọng và theo kiểm tra thì cả 2 hồ đập này đều xảy ra hiện tượng thấm nước từ hồ qua thân đập. Để đảm bảo an toàn hồ đập, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thường xuyên kiểm tra những điểm xung yếu trên đập để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có sự cố xảy ra. Tuy vậy, chính quyền xã mong muốn UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương sửa chữa, nâng cấp đập để đảm bảo an toàn hồ, đập khi mưa lũ xảy ra”.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()